Những điểm tham quan ở Quảng Ninh

Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long nghĩa là vịnh nơi rồng đáp xuống. Truyện kể rằng, xưa, khi người Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt bị giặc ngoại xâm, trời sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống giúp người Việt đánh giặc.
Khi thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì đàn rồng cũng hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn vàn đảo đá sừng sững, liên kết lại như bức tường thành vững chãi, bất ngờ chặn bước tiến quân giặc. Thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn lại đột ngột đâm vào các đảo đá, đâm vào nhau vỡ tan tành.



Sau khi giặc tan, rồng mẹ và rồng con không trở về trời, mà ở lại hạ giới - nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, nơi rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ (tức bán đảo Trà Cổ ngày nay)”.

Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động.

Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung...

Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2 với 1969 đảo, trong đó khu di sản thế giới được UNESCO công nhận có diện tích trên 434 km2 với 788 đảo, có giá trị đặc biệt về văn hoá, thẩm mĩ, địa chất, sinh học và kinh tế. Trên vịnh có nhiều đảo đất, hang động, bãi tắm, cảnh quan đẹp thuận lợi cho phát triển nhiều điểm, nhiều hình thức du lịch hấp dẫn.

Bãi Cháy
Bãi Cháy là một bãi tắm nhân tạo rộng và đẹp nằm sát bờ vịnh Hạ Long. Bãi cát dài hơn 500m, rộng 100m. Hàng ngày vào buổi sáng sớm hay chiều tà, hàng ngàn người xuống đây tắm, bãi tắm trở nên náo nhiệt lạ thường.
 
Bãi Biển Bãi Cháy Quảng Ninh

Cái tên Bãi Cháy có nhiều truyền thuyết khác nhau. Theo truyền thuyết xưa, Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Nam đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ.

Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió đông bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Khu rừng bị cháy đó thành Bãi Cháy ngày nay.

Một truyền thuyết dân gian lại cho rằng trước đây tàu thuyền thường neo đậu vào bãi biển phía tây Cửa Lục. Dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền, vì thế dân chài phải lấy lá phi lao đốt xung quanh. Từ bên phía Hòn Gai và các nơi khác nhìn vào đó luôn luôn thấy lửa cháy rực lên nên gọi nơi này là Bãi Cháy.

Núi Yên Tử
Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam".
 


Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi...

Hành trình lên Yên Tử ngày nay sẽ không vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên đã hoàn thành năm 2002 và hệ thống cáp treo 2 lên cổng trời (khu vực đỉnh Yên Tử) đã được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội 2008.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông 1258-1308.

Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330), vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm.
Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách Thạch thất mị ngữ và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều...

Đảo Tuần Châu
Đảo Tuần Châu nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hạ Long. Đây là hòn đảo đất lẫn phiến thạch duy nhất trong 1.969 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong điểm kết nối của vùng Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long. Đảo có diện tích khoảng 400 ha, được thiên nhiên ban phú cho một điều kiện tự nhiên tuyệt đẹp.
 
Tuần Châu Resort Hạ Long

Với thảm cát trắng mịn trải dài 6km, làn nước biển trong xanh bao quanh hơn 200 ha rừng thông xanh mướt. Khí hậu mát mẻ quanh năm đón gió biển thổi vào, đảo Tuần Châu xứng đáng là nơi để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp lý tưởng.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo đến quyến rũ, đắm say lòng người, đảo Tuần Châu còn là điểm di chỉ khảo cổ học thuộc nền Văn hoá Hạ Long thời hậu kỳ đồ đá mới với rất nhiều công cụ bằng đá đã tìm thấy như bàn mài, rìu đá, mảnh tước, đồ gốm...

Trước năm 1997, Tuần Châu chỉ là một xã đảo nghèo với diện tích 250 ha trực thuộc thành phố Hạ Long, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt thô sơ. Trên đảo không có điện, không có nước, không có chợ…
Đặc biệt là giao thông bị cách biệt với đất liền, khiến đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của người dân vốn đã khó khăn lại càng thiếu thốn hơn.

Từ năm 1998, cuộc sống của người dân Tuần Châu được bắt đầu cải thiện khi công ty Âu Lạc chính thức xây dựng con đường dài 2.145m, rộng 15m nối liền đảo với quốc lộ 18A, mở ra một trung tâm du lịch giải trí với rất nhiều các hạng mục công trình nổi tiếng.

Bắt đầu từ đây, cái tên đảo Tuần Châu đã được biết đến trong và ngoài nước, trở thành nơi tổ chức các sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế.

Du khách có thể thoải mái vui chơi trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng dài 4km. Các trò chơi bãi biển và dưới nước như : bóng chuyền bãi biển,đá bóng, lướt sóng, canô kéo dù, môtô trượt nước tốc độ cao sẽ đem lại cho bạn một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng.

Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng và thưởng thức các món ăn ở Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách độc đáo, mô phóng kiến trúc cung đình Việt Nam thế kỷ 17 và 18.

Đảo Cô Tô
Đảo Cô Tô mê hoặc du khách bởi những bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng và làn nước trong xanh. Ở đây có đảo Cô Tô lớn, đảo Cô Tô nhỏ, đảo Thanh Lâm, đảo Trần và vô số hòn đảo nhỏ khác... Ngoài tắm biển, du khách còn có thể tham quan rừng tự nhiên, hải đăng, cầu cảng, làng đánh cá, các vịnh biển, bãi đá tự nhiên...

Đường ra đảo Cô Tô lớn sẽ đi qua nhiều hòn đảo nhỏ và núi đá trên biển.

Làng chài Cửa Vạn
Làng chài Cửa Vạn nằm trong một vụng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá bao bọc có tên Vạ Giá - Cửa Vạn. Khu vực này là một địa điểm lý tưởng cho các loại tàu neo đậu.
Nằm trong lòng Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới đã 2 lần được UNESCO công nhận, từ nhiều năm nay, làng chài Cửa Vạn (phường Hùng Thắng) đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
 


Đến với làng chài Cửa Vạn, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian êm ả, thanh bình, quyến rũ đến kỳ lạ, được tận mắt ngắm cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, tìm hiểu đời sống văn hoá của ngư dân, mà còn được những thôn nữ làng chài trực tiếp hướng dẫn tham quan, chỉ dẫn cách chèo thuyền, giăng lưới, thả câu bắt tôm cá...

Làng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ hai làng chài cổ là Giang Võng và Trúc Võng, cùng với các hòn đảo, trở thành một bộ phận cấu thành Vịnh Hạ Long, nay thuộc địa phận phường Hùng Thắng (TP Hạ Long). Làng chài Cửa Vạn hiện là nơi sinh sống của 176 hộ, với trên 750 nhân khẩu, hầu hết sống bằng nghề chài lưới.

Đến với Cửa Vạn, du khách dễ dàng bị cuốn hút trước vẻ đẹp của những ghe thuyền, những chiếc mủng tre đậu trước cửa nhà, những ngôi nhà kèo cột vào nhau chống giông bão, những ngư dân giản dị, chất phác nhưng vô cùng mến khách, những đứa trẻ da sạm đen, dáng nhỏ nhắn mà nụ cười lại rất tươi vui, hồn nhiên… Khung cảnh bình yên, hiền hoà, chứa đựng đầy nét nguyên sơ của một làng chài trên biển.

Khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ được chèo thuyền tham quan quanh làng, cùng dân chài kéo lưới, ra khơi câu mực, hoà trong từng vị mặn mòi của ngư dân vùng biển.

Theo chân các thôn nữ làng chài, dưới ánh trăng thanh, du khách có thể thoả thích vui đùa, hồi hộp theo dõi những hình thù ngộ nghĩnh cử động trên núi đá. Thú vị nhất là lúc du khách tự tay bắt những con cá, con tôm mắc lưới cho vào giỏ, đưa về tự tay chế biến, thưởng thức các loại hải sản mà mình đánh bắt được.

Những đêm làng chài vào hội, hoặc có đám cưới, du khách còn được nghe dân chài hát ghẹo, hát chèo đường (một hình thức diễn xướng với nhiều làn điệu dân ca đặc hữu vùng Vịnh Hạ Long). Tất cả tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo đến vô cùng.
Không dừng lại đó, khi đến với Cửa Vạn, du khách còn tiếp tục được thưởng thức thêm nhiều hình thức du lịch mới lạ, độc đáo khác, như thăm hang Tiên Ông, tới khu hồ Ba Hầm, leo núi, câu mực, đến Đầm câu cá… với phương tiện đi lại là đò gỗ, mủng gỗ… do chính ngư dân làng chài chuyên chở.

Sau khi tham quan, du khách sẽ được nghỉ đêm ngay tại các gia đình ngư dân, được thưởng thức những điệu hát, câu hò giao duyên, hò biển…


Chia sẻ :