Đo thân nhiệt khách ở sân bay
Ngày 6.4, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đưa vào vận hành các máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh, nhằm kiểm soát bệnh cúm mới A/H7N9. Một ngày trước đó, sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng đưa vào hoạt động hai máy đo thân nhiệt. Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, tổng cộng có 3 máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là những máy đo đã được đưa vào hoạt động từ những lần xảy ra dịch cúm A trước.
Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị cúm A/H7N9 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư chiều 6.4 - Ảnh: Dương Ngọc
|
Sáng cùng ngày, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đến kiểm tra công tác kiểm soát dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, các chuyên viên của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP bắt đầu sàng lọc, giám sát hành khách nhập cảnh, đặc biệt lưu ý những người đến (hoặc đi qua) từ vùng có dịch là Trung Quốc. Hệ thống máy giúp phát hiện từ xa những người thân nhiệt cao. Hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc cúm A, như sốt cao, ho… sẽ được đưa vào phòng riêng để khám sàng lọc, nếu phát hiện có yếu tố nguy cơ mắc cúm cao (sốt cao, viêm phổi, đến từ vùng có dịch, hoặc tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết…) sẽ được cách ly để xử trí y tế kịp thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm định danh vi rút.
|
|
Không quá hoang mang
Theo các chuyên gia, do bệnh cúm A/H7N9 vẫn chưa xuất hiện trong nước, nên người dân không quá hoang mang. Điều quan trọng lúc này là cần ý thức phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống (không ăn gia cầm bệnh, chết, hoặc không rõ nguồn gốc; rửa tay trước khi ăn; chế biến thức ăn hợp vệ sinh... Với các hộ chăn nuôi cần tiêm ngừa gia cầm và theo dõi sát sức khỏe đàn gia cầm...
|
|
|
Sở Y tế TP.HCM cũng đã chỉ đạo khẩn đối với Trung tâm y tế dự phòng TP; các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; các bệnh viện (BV) chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống bệnh cúm A, nhất là các BV tiếp nhận điều trị cúm lâu nay của TP như: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2… Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính cho biết BV này cũng đã sẵn sàng khu cách ly, thuốc và thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vi rút cúm.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tới kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị cúm H7N9 tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ông Long nhấn mạnh tại các cửa khẩu biên giới phía bắc, 100% khách nhập cảnh phải qua kiểm tra thân nhiệt.
Lập phác đồ điều trị cúm A/H7N9
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, số ca mắc tăng nhanh kể từ khi dịch cúm A/H7N9 được Trung Quốc thông báo hôm 1.4. Bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 nhỏ nhất mới 4 tuổi, người lớn nhất 87 tuổi. Với diễn biến bệnh nhanh, tỷ lệ tử vong cao, cúm A/H7N9 được nhận định là vi rút có độc lực mạnh. BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng vừa hoàn tất dự thảo phác đồ điều trị cúm A/H7N9, sẽ được Bộ Y tế thông qua vào ngày 9.4.
Cùng ngày 6.4, Bộ Y tế ban hành những khuyến cáo phòng dịch cúm A/H7N9. Trong đó đặc biệt lưu ý không sử dụng, giết mổ gia cầm ốm, chết; khi có sốt, ho, viêm phổi cấp phải đến ngay cơ sở y tế; người về từ vùng dịch cần theo dõi sức khỏe, kịp thời thông báo cho cơ quan y tế khi có sốt. Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập 5 đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Phòng.
Phát hiện H7N9 có trong gà, chim cút
Ngày 6.4, giới chức Thượng Hải tạm ngưng hoạt động của 3 chợ bán gia cầm địa phương, đồng thời cấm nhập gia cầm từ các khu vực khác của Trung Quốc, theo Tân Hoa xã. Động thái mới được đưa ra một ngày sau khi cơ quan chức năng phát hiện vi rút cúm H7N9 có trong 8 mẫu gà được lấy tại một chợ đầu mối ở Thượng Hải. Tính đến hôm qua, ít nhất 18 người ở Trung Quốc nhiễm vi rút này, trong đó có 6 người thiệt mạng.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang thông báo phát hiện vi rút H7N9 có trong chim cút được bán ở chợ nông sản địa phương. Theo Tân Hoa xã, một trong 2 bệnh nhân H7N9 ở Chiết Giang đã ăn chim cút được mua từ chợ nông sản này. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc cô lập tất cả bệnh nhân H7N9, dù chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy H7N9 lây từ người sang người.
Minh Trung
|
Thanh Tùng - Liên Châu