Bệnh nhân đến Phòng khám Ký sinh trùng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng mí mắt trái sưng húp, mắt bị đỏ và bệnh nhân than đau nhức. Trước đó, người bệnh đã đi khám ở một bệnh viện và được chẩn đoán viêm kết mạc nhưng uống thuốc hơn một tuần không khỏi.
|
Ăn thủy hải sản sống có thể bị giun chui vào mắt. Ảnh minh họa: Một trường hợp nhiễm giun |
Nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm và xác định nguyên nhân khiến mắt của bà Vân bị sưng đỏ là do ký sinh trùng Gnathostama spinigerum. Bệnh nhân lập tức được điều trị bằng thuốc đặc hiệu.
Tiến sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, đây là trường hợp giun chui lên mắt thứ 7 mà bác sĩ này phát hiện trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân bị chứng đau và sưng mắt kéo dài.
Cũng theo bác sĩ, Gnathostama spinigerum không lây trực tiếp từ tay dụi vào mắt mà đường lây chính là do người bệnh ăn các loại hải sản sống hoặc tái. Chính vì thế để phòng bệnh, người dân nên cẩn trọng khi dùng các loại hải sản như tôm, sò chưa được nấu kỹ.
Riêng người bị sưng đỏ mắt kéo dài, đã điều trị nhưng không khỏi cũng nên đến bệnh viện có chuyên khoa ký sinh trùng khám để nếu có nhiễm giun thì kịp thời phát hiện và điều trị.