Lúc này nhiều trường hợp đã quá trễ, nguy hiểm đến tính mạng.
Thấy chỉ sây sát nhẹ, không ngờ...
Bà N.T.M.U. (ngụ Q.8, TP.HCM) đến giờ vẫn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của cậu con trai. Bà U. kể cách đây hai tháng con trai bà là anh L.N.M. (28 tuổi) va chạm với một xe máy khiến anh M. bị ngã xuống đường. Bị choáng nhẹ một lúc, anh M. cảm thấy bình thường trở lại và tiếp tục đi làm. Thấy con bình thường, chân tay chỉ sây sát nhẹ, bà U. yên tâm nghĩ chắc không cần đi khám.
Anh M. không có biểu hiện khó chịu, vẫn sinh hoạt bình thường. Bất ngờ hai ngày sau, anh M. thấy đau đầu khủng khiếp, kèm theo các triệu chứng nôn ói, mất dần tri giác. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, anh M. rơi dần vào trạng thái hôn mê sâu và tử vong sau ba ngày được chữa trị. Các bác sĩ kiểm tra mới biết anh M. bị tụ máu màng cứng dưới não do bị chấn thương đầu, vì thời gian quá lâu nên não bị tổn thương nghiêm trọng, không thể cứu chữa.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết những trường hợp như anh M. tới cấp cứu tại bệnh viện khá nhiều. Trường hợp phổ biến nhất là nhiều người đi nhậu về bị té nhưng người nhà và bản thân người đó không biết mình bị té, không biết đầu đã bị va đập, tổn thương. Đến khi nhập bệnh viện cấp cứu thì mọi chuyện quá muộn do não bị tổn thương trong thời gian quá lâu.
Có nhiều trường hợp tới bệnh viện với các dấu hiệu máu tụ dưới màng cứng mãn tính. Chính người bệnh cũng bất ngờ không biết vì sao mình lại bị như thế, nhưng khi được hỏi về tiền sử bệnh mới vỡ lẽ đã gặp một chấn thương ở đầu cách đó mấy tháng.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, những chấn thương ở đầu nhẹ như sưng, u bên ngoài có thể xử lý được ở nhà, nhưng khi đầu bị tác động bởi một lực mạnh thì người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị. Đáng lo là nhiều người không biết mình bị tác động một lực mạnh đột ngột. Vì vậy, bệnh nhân thường chủ quan xem là chấn thương nhẹ, không đến bệnh viện kiểm tra.
Trong thời gian bệnh nhân tỉnh đến lúc hôn mê (gọi là khoảng tỉnh), các tổn thương trong hộp sọ dần được hình thành. Theo thời gian, những tổn thương này khiến tăng áp lực nội sọ với những biểu hiện quen thuộc nhất là nhức đầu, nôn và buồn nôn, phù gai thị. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng nhận biết được vì đôi khi triệu chứng rất mơ hồ, hoặc có triệu chứng nhưng do chủ quan nên người bệnh không chú ý. Khi các triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân được cấp cứu có thể đã quá muộn vì não bị chèn ép quá lâu.
Sáu giờ vàng ngọc
Bác sĩ Thanh Hải - phó chủ nhiệm khoa ngoại thần kinh Bệnh viện 175 - cho biết với bệnh nhân bị chấn thương sọ não 6 giờ từ khi não bị tổn thương là thời gian vàng để cứu sống các tế bào thần kinh. Nếu bị chấn thương, bệnh nhân được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, điều trị đúng cách thì có cơ may cứu sống rất lớn, ít để lại di chứng. Nếu chủ quan, để qua thời gian vàng thì rất khó cứu sống, hoặc để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Sau khi chấn thương đầu nên nằm bất động để được các bác sĩ theo dõi.
Bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo: “Tuyệt đối không nên khinh suất khi bị chấn thương ở đầu. Khi bị tác động một lực mà cảm thấy mạnh, mặc dù không có biểu hiện gì đáng lo ngại nhưng bệnh nhân cũng nên đến những cơ sở y tế có khả năng, kinh nghiệm về chấn thương sọ não để được kiểm tra kỹ và điều trị kịp thời khi phát hiện các tổn thương trong não”.
Hai trường hợp khiến máu tụ trong não
Nhiều bệnh nhân sau khi gặp chấn thương rất tỉnh táo, không có biểu hiện gì thể hiện sự tổn thương, nhưng rất có thể lúc đó não đã bắt đầu chảy máu. Do não bị chảy máu rất ít nên chưa gây nên tình trạng tụ máu. Sau một thời gian hiện tượng chảy máu tăng dần lên, máu bắt đầu tụ trong não và gây chèn ép não. Khi não bị chèn ép, bệnh nhân bắt đầu bị hôn mê, buồn nôn, đau đầu. Có hai trường hợp khiến máu tụ trong não, thứ nhất chảy máu từ xương đầu bị vỡ, dần thấm vào não. Thứ hai là máu từ các mạch máu trong não bị vỡ ra.
Bác sĩ Phạm Thanh Hải
(phó chủ nhiệm khoa ngoại thần kinh Bệnh viện 175