Đổ bệnh vì thời tiết thất thường

Kinh nghiệm của các bác sĩ công tác lâu năm tại BV Nhi, BN đến khám thường ổn định trong đợt rét dài nhưng có xu hướng tăng cao trong những thời điểm “giao mùa”, đang nóng trở rét, đang rét chuyển qua nóng ẩm.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), nếu nóng chuyển sang lạnh, cơ thể không thích ứng kịp, trẻ dễ ốm vì nhiễm lạnh thì khi thời tiết từ lạnh chuyển sang nóng cũng dễ khiến trẻ mắc bệnh vì tất cả mọi thay đổi đều đòi hỏi cơ thể trẻ phải thích nghi. “Khi trẻ đã bị bệnh, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc chống nôn, vì thuốc chống nôn có thể khiến trẻ ngủ li bì, khó phát hiện diễn biến của bệnh”, TS Dũng khuyên.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, BV Nhi T.Ư, cho biết các cơn hen khó thở hay xảy ra vào ban đêm mỗi khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, hoặc lạnh sang nóng. Bệnh hen ở trẻ em có những đặc điểm riêng rất khác với bệnh hen ở người lớn. Đặc biệt, bệnh hen trên trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, dị vật đường thở do cùng có chung đặc điểm như tiếng thở rít, khó thở, bệnh tái phát nhiều lần...

Giới chuyên môn khuyến cáo, biện pháp dự phòng tốt nhất chính là giữ sạch đường mũi, họng cho trẻ.

Ngoài các bệnh về đường hô hấp, nhiều trẻ nhỏ nhập viện được xác định mắc tiêu chảy do Rota vi rút. “Các gia đình đã biết cho trẻ uống oresol khi trẻ tiêu chảy, nôn nhiều để bù nước nhưng nhiều trường hợp pha oresol không đúng như cho thêm đường và đặc biệt là pha quá đậm đặc, có thể gây ngộ độc”, bác sĩ Dũng lưu ý.

Đổ bệnh vì thời tiết thất thường
Bệnh nhi bị tiêu chảy do vi rút tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thúy Anh

Người lớn coi chừng huyết áp

Các bác sĩ khuyến cáo, với người lớn, thời tiết diễn biến thất thường cũng là yếu tố gây nên các phản ứng ở người có bệnh hen. “Nếu không kiểm soát tốt, bệnh hen gây nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai lưu ý.

TS Đồng Văn Thành, Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, cho biết bất thường thời tiết tác động xấu cho người có bệnh tăng huyết áp. Ngay trong ngày cuối tuần, sau mấy ngày hửng nắng trời mưa, rét trở lại khiến nhiều BN đến khám phàn nàn về tình trạng sức khỏe. “Tôi đang uống thuốc hạ huyết áp ngày 2 lần nhưng có lúc vẫn cứ cao ngất, không dám ra khỏi nhà. Có lúc huyết áp lại xuống thấp khiến người mệt xỉu”, bác Đức, 68 tuổi, nhà ở Q.Đống Đa lo lắng bày tỏ với bác sĩ. “Các trường hợp như bác Đức là tăng huyết áp kháng trị. Đây là những BN rất nhạy cảm với thời tiết. Tăng huyết áp kháng trị cần đặc biệt lưu ý ở người liên quan rối loạn chuyển hóa (người tăng huyết áp có kèm theo bệnh tiểu đường, mỡ máu cao)”, TS Thành cho biết.

http://www.thanhnien.com.vn

Chia sẻ :