Có thể chỉ là cảm lạnh
Bề ngoài cứ tưởng, hai bệnh lây nhiễm giống nhau. Chúng ta hay bị vào cùng thời gian – từ mùa thu đến mùa xuân. Tất cả bởi khí hậu mát và lạnh hơn mùa hè và cuối mùa xuân.
Những mao mạch nhỏ ở vùng mũi, họng và phế quản co thắt. Khi ấy đường hô hấp không phải lúc nào cũng xoay xở tốt với virus cúm và cảm lạnh – trái với cúm, cảm lạnh phát triển từ từ, không đau cơ, không đau khớp, không nhức đầu và không sốt cao. Thoạt đầu bạn cảm thấy hơi ngứa họng, chảy nước mũi, người hâm hấp sốt. Mãi sau một hoặc vài ngày xổ mũi càng nghiêm trọng và bắt đầu ho, đau họng.
Cách tự vệ
Không dễ tránh tiếp xúc với virus cúm có mặt khắp nơi (cả virus cúm thông thường và cúm lợn). Bởi chúng bay lơ lửng trong không trung ở bất cứ nơi nào đầy ắp người ho và xổ mũi. Và bạn bị lây nhiễm tại chính những địa điểm đó, qua đường hô hấp. Bạn cũng có thể bị dính bệnh qua đường vô tình tiếp xúc với những đồ vật trước đó nạn nhân cúm đã sử dụng (hoặc động chạm), sau đó đưa vào mũi hoặc miệng mình. Chính vì thế các bác sĩ khuyến cáo mọi người chăm rửa tay, nhất là tại công sở - trong mùa cúm.
Trong thời gian có dịch cúm, nhiều bác sĩ cũng khuyến khích đeo khẩu trang tại những nơi công cộng. Càng cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa, để cả thuốc tẩy trùng – trường hợp gia đình có thành viên không may bị cúm. Nếu có thể - người ốm nên ngủ ở phòng riêng, cách ly mọi người. Ngoài ra nên sử dụng giẻ mềm tẩm cồn mỗi ngày vài lần, lau những vật dụng thường xuyên sử dụng như tay cửa, ống nghe điện thoại bàn.
Ai nên tiêm phòng?

Ảnh: Inmagine
Hiện chỉ có vắc xin phòng ngừa cúm thông thường. Nhờ mũi tiêm bạn có thể miễn dịch với cúm (trường hợp không may vẫn bị, bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều). Ngoài ra sau tiêm chủng, sẽ dễ tránh những biến chứng nguy hiểm của cúm. Để vắc xin phát huy hiệu quả, cần phải tiêm chủng hàng năm – tốt nhất vào đầu mùa thu, không chậm hơn đầu tháng một. Mãi sau 3 tuần, cơ thể mới miễn dịch virus và khả năng này duy trì trong thời gian 10 – 12 tháng.
So với nhiều loại vắc xin khác, loại phòng ngừa cúm an toàn cả với phụ nữ sắp có con. Nếu bác sĩ phụ khoa đồng ý, có thể yên tâm tiêm chủng vào ba tháng thai kỳ thứ hai hoặc thứ ba. Hiện giới y học vẫn chưa thống nhất về đối tượng cần áp dụng giải pháp phòng ngừa này.
Tuy nhiên số đông bác sĩ vẫn chỉ định phụ nữ đang cho con bú, những người khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm và dễ mắc bệnh hoặc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người do đặc thù công việc – là đối tượng nên tiêm chủng. Ngoài ra đối tượng đang mắc bệnh mạn tính nào đó (các bệnh về tim, bệnh thận, bệnh phổi, tiểu đường, áp huyết cao, hen suyễn, dị ứng, viêm gan virus B và C); trẻ em (nhất là đối tượng thuộc nhóm từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi) và người trên 65 tuổi – cũng cần tiêm chủng hàng năm.
Một khi không may dính bệnh
Với mọi dạng đều không được phép chủ quan. Cần nằm giường tối thiểu một tuần. Có vài lý do. Thứ nhất, tránh được nguy cơ nhiễm lạnh – đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp bị cúm. Thứ hai, nếu tiết kiệm sức, bạn sẽ hồi phục nhanh hơn và hệ đề kháng của cơ thể hoạt động hoàn hảo hơn.
Khi đã nằm nghỉ, trong đó thời gian ngủ khá nhiều, cơ bắp mệt mỏi vì cuộc chiến với virus cúm sẽ có cơ hội nghỉ ngơi. Vấn đề tiếp theo: thậm chí nếu không phải cán bộ nhà nước và không phải xin giấy nghỉ ốm của bác sĩ, bạn vẫn có thời gian gõ cửa bác sĩ chuyên khoa Nội. Cho dù không phải bệnh do vi trùng, tức không cần sử dụng thuốc kháng sinh; bác sĩ vẫn có thể đánh giá tình trạng thực tế và chỉ định cách chữa trị.
Trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ kê đơn mua thuốc chống virus. Thường là viên Tamiflu (uống) hoặc Relenza dạng bột để xông. Cả hai đều hiệu quả nhất – nếu bạn sử dụng trong vòng hai ngày đầu nhiễm bệnh.
8 nguyên tắc cơ bản cần nhớ, khi bị cúm
Hóa giải sốt
Sốt 39oC nguy hiểm, bởi nó làm suy nhược nhiều cơ quan, nhất là tim, vì thế cần hóa giải. “Vũ khí” hiệu quả và an toàn là Paracetamol (Apap, Panadol, Codipar). Tuy nhiên nếu 3 giờ sau khi đã uống 1 – 2 viên chứa Paracetamol nhiệt độ không hạ hoặc bị sốt lại, cần bổ sung “vũ khí” với Ibuprofen (Nurofen, Ibuprom). Sau đó có thể uống hai loại luân phiên cứ 3 tiếng/lần (mỗi thứ không nhiều hơn 4 lần/ngày).
Bảo vệ họng
Cơ thể bị virus tấn công, nên sẽ bị khô – dễ bị nhiễm vi trùng. Hãy tìm mua thuốc (viên ngậm) – thậm chí nếu chỉ hơi đau họng.
Chọn sản phẩm ngoài tác dụng chống khuẩn, còn phát huy tác dụng kích thích tiết nước miếng hoặc có lẫn vitamin C. Uống bổ sung vài lần mỗi ngày một thìa nhỏ dầu ô liu pha thêm vào giọt nước chanh – khi họng quá khô và khản tiếng. Nó sẽ phát huy tác dụng như “mặt nạ” bảo vệ họng. Không nên quấn khăn kín cổ. Bởi sẽ làm tăng thân nhiệt trong khi đã bị sốt.
Giảm thiểu xổ mũi
Tình trạng nghẹt mũi gây khó thở, dễ làm viêm xoang. Vì thế cần nhanh chóng cắt cơn. Dù sử dụng thuốc dạng uống, xịt mũi hoặc nhỏ mũi – không nên duy trì lâu hơn từ 3 đến 5 ngày.
Trường hợp ngược lại bạn sẽ làm niêm mạc mũi quá khô, trở nên bất lực với kẻ thù mới và tình trạng xổ mũi sẽ tồi tệ hơn. Cần gõ cửa phòng khám, trường hợp sau vài ngày nước mũi màu trắng chuyển sang màu xanh vàng, đặc quánh. Đó là dấu hiệu bị nhiễm khuẩn. Cần sử dụng thuốc kháng sinh, để tránh biến chứng (viêm xoang, viêm phế quản).
Uống thuốc ho (dạng nước, xi rô)
Khi họng bị khô và mệt mỏi, hãy mua thuốc ho (dạng lỏng để uống – thí dụ có Dekstrometorfan hoặc Codeine). Đôi khi tình trạng ho khan có thể kéo dài hai tuần sau khi đã hết cúm. Hãy gõ cửa bác sĩ – trường hợp không thuyên giảm sau thời gian đó. Bởi viêm phế quản là biến chứng thường gặp sau cúm.
Hỗ trợ khả năng đề kháng của cơ thể
Cho đến khi chưa hết cúm, và cả trong thời gian một hoặc hai tuần sau khi khỏi ốm có thể uống các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. Có thể là thuốc bào chế từ cây lô hội, tỏi hoặc dầu cá thông dụng.
Quan tâm đến thực đơn
Không phải vô tình, khi dân gian có thói quen cho người bị cảm lạnh và bị cúm ăn bát cháo hành tía tô hoặc canh gà nóng. Đó là bài thuốc hữu hiệu, hỗ trợ cơ thể chống viêm nhiễm. Vì thế chúng cần có trong thực đơn dành cho nạn nhân cúm. Cũng nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả giàu vitamin C (thí dụ ớt ngọt, chanh). Mỗi ngày ăn vài củ tỏi, bởi tỏi củng cố khả năng đề kháng và phát huy tác dụng như thuốc kháng sinh tự nhiên.
Cung cấp đủ nước
Phải uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, bởi cơ thể rất dễ mất nước – khi bị sốt cao, xổ mũi và ho. Nên uống nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng, nước hoa quả, nước chanh. Không uống cà phê, hoặc chè đen, bởi chúng có tác dụng lợi tiểu và dễ gây mất nước.
Cảnh giác cao độ
Thậm chí cả khi đã khỏi bệnh. Bởi không hiếm trường hợp cúm tái phát sau thời gian ngắn, hoặc để lại không ít biến chứng tai hại. “Kỷ vật” có thể là viêm xoang, viêm tai giữa và viêm phế quản – có thể tự xoay xở bằng thuốc kháng sinh.
Viêm cơ tim là biến chứng nguy hiểm hơn. Những tín hiệu đầu tiên thường xuất hiện trong thời gian đang ốm hoặc vài tuần sau đó. Nếu bắt đầu cảm thấy đau lồng ngực và tim loạn nhịp, khó thở, chóng mặt, và lả người, lập tức tìm đến gặp bác sĩ – bạn sẽ được giới thiệu đến phòng khám bác sĩ chuyên khoa Tim - mạch, trường hợp nghi ngờ virus cúm đã tấn công tới tim của bạn.