1. Tại sao phải cắt Amiđan: Cắt Amiđan là cắt Amiđan khẩu cái(Y tế gọi tắt là A). Bình thường tổ chức này rất có lợi cho cơ thể là tạo ra bạch cầu và kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi trùng. Cùng với Amiđan khẩu cái còn có một hệ thống các tổ chức bạch huyết khác gọi là Vòng bạch huyết(Waldeyer) như: Amiđan vòm(VA), Amiđan vòi, Amiđan lưỡi, Amiđan Gillette... cũng có chức năng tương tự.
Amiđan khẩu cái (A) là hai khối bạch huyết lớn nhất của hệ thống, giữ vai trò quan trọng hơn cả. Khi bị viêm nhiều lần, tổ chức A có các bọc mủ khiến cho vi khuẩn ít bị tiêu diệt bởi kháng sinh(Vi khuẩn thường là liên cầu b tan huyết nhóm A). Khi cơ thể gặp điều kiện không thuận lợi như: Lao lực, cảm cúm, cảm lạnh vv... thì vi khuẩn tung từng đợt vào máu gây viêm nhiễm nhiều nơi. Mặt khác, vi khuẩn Liên cầu có cấu trúc giống cấu trúc màng khớp, màng tim...cho nên, cơ thể sinh ra kháng thể chống vi khuẩn thì đồng thời cũng chống lại màng khớp, màng tim, gây nên bệnh thấp khớp, thấp tim. Quá trình kể trên gọi là cơ chế" nhiễm trùng - dị ứng". Tức là, nhiễm trùng ở tổ chức A có trước, dẫn đến dị ứng có sau. Quá trình này đã được phát động thì không dừng. Tóm lại là từ viêm Amiđan dẫn đến bệnh thấp khớp, thấp tim.
Khi đã bị thấp khớp thấp tim, thì dù có cắt A, bệnh này vẫn cứ diễn ra. Vì vậy, có quan điểm là nên cắt A sớm để phòng bệnh.
2. Những trường hợp nên cắt(chỉ định) là:
- Tần số: Viêm nhiễm quá 5 lần/năm hoặc quá 7 lần/2 năm liên tiếp.
- Đã có biến chứng tại chỗ: Viêm tấy A, apxe quanh A.
- Đã có biến chứng gần: Viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm kết mạc, viêm thanh quản, viêm khí phế quản, viêm phổi...
- Đã có biến chứng xa: Nhiễm trùng huyết, viêm thận, viêm khớp, viêm màng trong tim...
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể về thể chất, tinh thần.
- Ảnh hưởng chức năng nuốt, nói, thở (đêm ngáy to+cơn ngừng thở).
- Viêm Amiđan gây hôi miệng.
3. Những trường hợp không nên cắt A(chống chỉ định).
- B.n có bệnh về máu: Suy tuỷ, bệnh máu trắng, bệnh ưa chảy máu, xuất huyết giảm tiểu cầu...
- B.n có bệnh mạn tính: Hen, suy tim, lao, đái đường...
- B.n có bệnh cấp tính: Viêm A cấp, áp-xe, thấp tim tiến triển..
- B.n có sức đề kháng kém: Quá già hoặc quá trẻ. B.n suy giảm miễn dịch(AIDS), suy dinh dưỡng...
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, chửa đẻ, cho con bú.
- Địa phương đang có dịch.
4. Bệnh nhân có đủ điều kiện để cắt A, nên chuẩn bị gì?
- 3 ngày trước khi cắt A, uống kháng sinh, vitamin K là tốt nhất.
- Tối hôm trước, uống an thần để ngủ ngon không ảnh hưởng sức khoẻ cho phẫu thuật ngày hôm sau.
- Buổi sáng phải nhịn ăn uống để làm xét nghiệm máu, nước tiểu...
- Có người nhà chăm sóc đi cùng.
5. Các phương pháp cắt A:
5.1- Cắt A bằng áp lạnh: Dùng khí Nito lỏng khi bốc hơi làm lạnh đóng băng phá vỡ tế bào. Phương pháp này không triệt để vì bao xơ của tổ chức A vẫn còn, tổn thương rộng, hình thành xơ sẹo nhiều sau thủ thuật.
5.2- Cắt A bằng dao Sluder điện: Gây tê tại chỗ, dùng dao điện cắt A ở trạng thái chập mạch, giống như đốt điện, nên mất máu ít. Hốc mổ được bao bao bởi lớp màng Protein khô đông vón do nhiệt độ cao.
5.3- Cắt A(bằng dao Sluder) truyền thống: Tiền mê toàn thân+ Gây tê tại chỗ, cắt A b.n tư thế ngồi, thời gian trung bình 10 phút. Đây là phương pháp cắt A triệt để, an toàn, kinh phí thấp. B.n theo dõi sau 6 tiếng, nếu điều kiện cho phép, về nhà được.
5.4- Cắt A gây mê: Cắt A tư thế b.n nằm. Phương pháp này an toàn nhất, nhưng tốn thời gian và kinh phí nhiều lần so với các phương pháp kể trên. Sau cắt A, b.n có thể bị ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc mê.
Khoa TMH Bệnh viện ĐHYTB áp dụng cắt A truyền thống cho hầu hết các trường hợp và cắt A gây mê cho b.n có điều kiện kinh tế cao yêu cầu.
Th.s Nguyễn Hữu Phẩm
Bộ môn TMH Trường Đại học Y Thái Bình