HỘI TAI MŨI HỌNG VIỆT NAM

50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

I .SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI

Năm 1959, Đại hội đầu tiên cả ngành Tai Mũi Họng Việt Nam được tổ chức tại bệnh viện Bạch Mai dưới sự chủ trì của Cố Giáo sư Trần Hữu Tước, khi đó là Phó Chủ Tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Giám Đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng và là chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng, Đại Học Y Hà Nội. Thực chất đây là Đại Hội trù bị, chuẩn bị cho việc thành lập Hội Tai Mũi Họng và định hướng cho sự phát triển ngành Tai Mũi Họng theo quan điểm của giáo sư Trần Hữu Tước:” Xây dựng cho được một nền Tai Mũi Họng mới đầu tiên của xứ nóng có nhiều điểm mang tính chất Xã hội chủ nghĩa”.

Ngày 29 tháng 4 năm 1961, Hội Tai Mũi Họng Việt Nam chính thức thành lập theo Quyết Định số 111-NV/QĐ, Giáo sư Trần Hữu Tước là người sáng lập và là Chủ Tịch đầu tiên. GS Võ Tấn và GS Đặng Hiếu Trưng làm Phó Chủ Tich

Trải qua tròn nửa thế kỷ, qua 18 kỳ Đại Hội và các Chủ Tịch Hội qua các thời kỳ:

– Cố GS TRẦN HỮU TƯỚC                                 1961 – 1983

– Cố GS.TS. LƯƠNG SỸ CẦN                              1983 – 1988

– GS. NGUYỄN VĂN ĐỨC                                     1998 – 2004

– PGS.TS. NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG                 2004 – 2014

– PGS.TS. VÕ THANH QUANG                              2014 – 2019

– PGS. TS. TRẦN PHAN CHUNG THỦY 2019 – đến nay

Mỗi kỳ Đại Hội là một dịp để chúng ta tự nhìn lại mình, đánh giá những thành tích đạt được để phát huy và tồn tại để khắc phục.

Những ngày đầu sau khi Hội được thành lập, với số lượng hội viên ích ỏi, chỉ mấy chục người, chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn, hoạt động trong phạm vi miền Bắc. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, một số Giáo Sư, cán bộ chủ chốt ngành Tai Mũi Họng được điều động hoặc chuyển vào miền Nam công tác như GS Võ Tấn, GS Nguyễn Văn Đức, GS Nguyễn Đình Bảng, …đã là hạt nhân để xây dựng và phát triển mạng lưới Tai Mũi Họng các tỉnh phía Nam. Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Hội Tai Mũi Họng Việt Nam có 1500 hội viên, hoạt động trong phạm vi cả  nước.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương, nhiều chuyên ngành đã tổ chức Đại Hội thành lập các Hội, Chi Hội như:

–         Hội Tai Mũi Họng Hà Nội

–         Hội Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh

–         Hội Tai Mũi Họng Đà Nẵng

–         Chi Hội Tai Mũi Họng Lâm Đồng

–         Chi Hội Tai Mũi Họng Thanh Hóa

–         Chi Hội Tai Mũi Họng Cần Thơ

–         Chi Hội Tai Mũi Họng Hải Phòng

–         Hội Thính – Thanh học

–         Hội phẫu thuật tạo hình

–         Hội Tai Mũi Họng nhi khoa

Nhưng theo đúng các quy định về thành lập Hội thì hiện nay chính thức Hội Tai Mũi Họng Việt Nam có 4 Hội, Chi Hội trực thuộc, đó là:

–         Hội Tai Mũi Họng Hà Nội

–         Hội Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh

–         Hội Tai Mũi Họng Đà Nẵng

–         Chi Hội Tai Mũi Họng Lâm Đồng

II. NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT

1.      Công tác chuyên môn

Hội phối hợp Ngành Tai Mũi Họng, lấy cơ sở là các Viện, Bệnh viện chuyên khoa, các khoa Tai Mũi Họng, các tổ chức liên quan để đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh.

Nhớ lại những ngày đầu của ngành Tai Mũi Họng, lực lượng cán bộ thì mỏng, thiết bị thì nghèo nàn, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa đảm bảo phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam. Từ sau 1975, mạng lưới Tai Mũi Họng phát triển rộng khắp trong cả nước, cho đến nay hầu hết các cơ sở đêu có trang thiết bị nội soi, laser. Các kỹ thuật chuyên sâu được áp dụng và phát triển như:

–         Phẫu thuật ung thư, tái tạo thanh quản, phục hồi chức năng phát âm,

–         Phẫu thuật  chỉnh hình tai giữa, tạo hình chuỗi xương con,

–         Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang,

–         Phẫu thuật chỉnh hình khí quản,

–         Phẫu thuật cấy điệc cực ốc tai

–         Điều chế dị nguyên phục vụ chuẩn đoán và điều trị các bệnh viêm mũi xoang,…

Cùng với công tác khám chữa bệnh, Hội và ngành luôn quan tâm đến công tác đào tạo, GS Trần Hữu Tước, Chủ tịch Hội đầu tiên và nhiều khóa sau đó đồng thời là Chủ nhiệm Bộ Môn Tai Mũi Họng luôn coi đào tạo cán bộ chuyên khoa là nhiệm vụ sống còn của ngành. Nói đến công tác đào tạo không thể không nhắc đến GS Võ Tấn, người thầy luôn tận tâm, mẫu mực vì sự nghiệp “trồng người” cho ngành Tai Mũi Họng. mặc dù tuổi cao, với cương vị Chủ tịch danh dự của hội 3 khóa liền, Thầy vẫn rất quan tâm đến công tác đào tạo, tranh thủ từng hội nghị khoa học, từng cuộc gặp gỡ để hướng dẫn, dạy bảo cho thế hệ trẻ.

Hiện nay toàn quốc có 10 trường Đại Học Y (Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng, Vinh,  Huế, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh (2), Cần Thơ ). Hàng năm, ngành Tai Mũi Họng đã cung cấp kiến thức chuyên ngành cho hàng nghìn bác sỹ Đa Khoa, đặc biệt mỗi năm đào tạo trên 100 bác sỹ chuyên khoa, thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II, tiến sỹ Y Khoa. Ngoài chương trình đào tạo trong trường, Hội vẫn luôn coi trọng công tác đào tạo lại và đào tạo liên tục thông qua các lớp bồi dưỡng và nâng cao, hội nghị và hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm hoặc cử cán bộ đi du học ở nước ngoài.

2. Công tác khoa học

Hằng năm, Trung Ương Hội, các Hội và Chi Hội trực thuộc đã thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị khoa học. Tại các hội nghị khoa học thường niên của Hội có từ 50 đến 70 đề tài nghiên cứu khoa học của các hội viên được bái cáo, nhiều đề tài có ý nghĩa thực tế cao và được ứng dụng trong công tác chuyên môn. Nhiều đề tài được báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế, khu vực, được đăng tải trong các tạp chí danh tiếng góp phần khẳng định vị thế của ngành Tai Mũi Họng Việt Nam.

3. Công tác tư vấn, phản biện

Hội phối hợp với công tác ngành trong công tác phát triển mạng lưới Tai Mũi Họng, tư vấn cho các địa phương về tổ chức, về trang thiết bị. Tư vấn hoặc trực tiếp giải quyết tốt một số sai sót trong chuyên môn tại một số địa phương và bảo vệ danh dự, quyền lợi của hội viên khi bị xâm phạm.

Tham gia cùng Tổng Hội Y học đóng góp những ý kiến cho dự thảo: Pháp lệnh hành nghề Y tư nhân, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế,…

4. Công tác đối ngoại nhân dân

Đây là điểm mạnh của hôi Tai Mũi Họng Việt nam.

Ngay từ những ngày đầu, trong hoàn cảnh rất khó khăn, với trình độ hiểu biết của mình, cố GS Trần Hữu Tước đã tranh thủ được sự thông cảm và giúp đỡ của một số nước như Pháp, Bỉ, thụy Sỹ, Liên Xô ( cũ ), … trong công tác đào tạo và trang thiết bị. Đặc biệt trong 20 năm trở lại đây, khi Nhà nước thực hiện chính sách mở cửa, công tác đối ngoại nhân dân của Hội đã phát triển mạnh mẽ. Hội đã và đang hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài:

– Ủy ban II Hà Lan trong công tác cung cấp máy trợ trính, đào tạo giáo viên trường Điếc, bổ sung trang bị cho 2 trung tâm thính học,…

– Ký thỏa thuận với ngành TMH Pháp trong công tác đào tạo Nội Trú TMH, tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần Hội nghị TMH Việt – Pháp, cử chuyên gia sang tổ chức các lớp đào tại ngắn hạn, nội dung do Việt nam đề xuất.

– Hợp tác với quỹ TMH nông thôn Thái Lan trong việc tổ chức các lớp học Phẫu tích xương thái dương, cử các đoàn bác sỹ sang Việt Nam công tác và nhận bác sỹ Việt Nam sang Thái Lan đào tạo.

– Hợp tác với tổ chức REI của Mỹ (Resource Exchange International), tổ chức các hội thảo, triển khai các kỹ thuật mới và nhận bác sỹ đi tu nghiệ tại Mỹ.

– Hợp tác với tổ chức y tế thế giới (WHO) trong công tác phòng chống điếc và nghễnh ngãng.

– Ngoài ra Hội còn có quan hệ với Hội TMH nhiều nước như Đan Mạch, Bỉ, Đức, Nhật bản, Singapore, Úc… tổ chức nhiều hội thảo khoa học, cử nhiều đàon chuyên gia hang đầu về TMH đến làm việc, trao đổi kinh nghiệm.

– Hiện nay Hội TMH Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp các Hội TMH quốc tế (IFOS). Thành viên của hội Tai Mũi Họng và phẩu thuật Đầu, Cổ khối ASEAN, thành viên hội TMH Châu Á Thái Bình Dương

Qua mối quan hệ hợp tác, đối ngoại, hằng năm, Hội cử nhiều đoàn đi  tham gia các Hội nghị khoa học khu vực và hế giới

Đặc biệt năm 2007 và 2010, lần đầu tiên hội TMH Việt Nam đã tổ chức thành công 2 Hội nghị lớn, đó là Hội nghị Tai Mũi Họng ASEAN lần thứ XII và Hội nghị Mũi học lần thứ XVI. Kết quả của Hội nghị không chỉ khẳng định khả năng tổ chức, trình độ chuyên môn của ngành TMH Việt Nam, mà một lần nữa khẳng định vị thế của Ngành TMH Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

5. Công tác xuất bản

 Hội luôn quan tâm đến công tác xuất bản. Nội san Tai Mũi Họng là cơ quan ngôn luận của Hội, ra đời trước khi có quyết định thành lập Hội, xuất bản liên tục mỗi năm 4 số, kể cả những thời gian chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhưng đầu những năm 2000 do kinh phí khó khăn nên mỗi năm chỉ xuất bản được 1-2 số. Năm 2004, bộ văn hóa thông tin cấp giấy phép hoạt đông cho Tạp chí Tai Mũi Họng. Hiện nay Tạp chí đạt tiêu chuẩn ISSN và được thẩm định cấp giấy phép chính thức công nhận Tạp chí được tính điểm khoa học.

Các chuyên gia, các nhà khoa học của hội đã tham gia viết Bách Khoa Toàn Thư Bệnh Học, Quy Trình Kỹ Thuật Bệnh Viện và hiện đang cùng Tổng Hội Y Học Việt Nam biên soạn Bách Khoa Y Học Việt Nam.

Năm mươi năm xây dựng và trưởng thành của Hội không thể nêu hết trong mấy trang giấy này. Phát huy truyền thống, nối tiếp cha anh, những hội viên tình nguyệ đứng trong mái nhà chung là Hội Tai Mũi Họng Việt nam nguyện phấn đấu hết mình vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

PGS.TS TRẦN CÔNG HÒA