Đó là kết quả cuộc nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học từ Bệnh viện Henry Ford ở Detroit (Mỹ).
|
Trẻ sơ sinh - Ảnh: Shutterstock |
Khi sinh thường, trẻ được tiếp xúc với các vi khuẩn từ cơ thể người mẹ trong đường sinh, làm tăng khả năng miễn dịch ở trẻ. Điều này không xảy ra khi trẻ sinh mổ. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ yếu hơn so với trẻ sinh thường.
Các nhà khoa học nghiên cứu 1.258 trẻ sơ sinh và tìm hiểu trẻ khi trẻ được 1 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 1 tuổi và 2 tuổi.
Nhóm nghiên cứu phân tích mẫu dây rốn, phân của từng trẻ, cũng như phân tích mẫu máu của cha mẹ, sữa mẹ và bụi trong nhà.
Họ cũng thu thập thông tin lịch sử gia đình về chứng dị ứng hoặc suyễn, thú nuôi trong nhà, khả năng có tiếp xúc với khói thuốc, bệnh tật, các thuốc trị bệnh và cả về thời kỳ mang thai của người mẹ.
Họ nhận thấy, khi lên 2 tuổi, trẻ sinh mổ dễ phát triển chứng dị ứng với những nguồn gây dị ứng trong nhà, chẳng hạn như bụi, lông chó và mèo. Đặc biệt, khả năng mắc các chứng dị ứng ở trẻ sinh mổ cao hơn 5 lần so với trẻ sinh thường.
Sự tiếp xúc với vi khuẩn trong đường sinh của người mẹ có tác động chủ yếu đến hệ miễn dịch của trẻ, theo tiến sĩ Christine Cole Johnson, người đứng đầu cuộc nghiên cứu.
Kết quả cuộc nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên của Học viện về Dị ứng, Suyễn và Miễn dịch học Mỹ (San Antonio, bang Texas, Mỹ).