Theo lương y Phạm Như Tá, y học cổ truyền cho rằng, lá lốt có vị cay, thơm, tính ấm, có công dụng trừ thấp (trị đau nhức xương, trị chứng ra mồ hôi...). Lá lốt thường được dân gian dùng nhiều nhất là cuốn thịt bò (được băm nhuyễn cùng các gia vị) rồi đem nướng. Đặc điểm của món này là thơm lựng, nhờ hương của lá lốt. Để trị đau nhức cơ thể khi trở trời, hoặc để giúp bổ máu cho cơ thể thì dùng 100 gr thịt bò, 50-70 gr lá lốt. Thịt bò (có vị ngọt, bổ máu) rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị mươi phút, rồi xào sơ qua, sau đó cho lá lốt vào, đảo sơ mấy lần là dùng được. Món này dùng 2-3 lần trong tuần, dùng với cơm để có công dụng như trên.
Còn theo lương y Quốc Trung, có thể dùng lá lốt để chữa chứng thường bị ra nhiều mồ hôi ở tay, chân. Trong trường hợp nhẹ, dùng cách như sau: 100 gr (cả rễ, thân cây và lá lốt, chọn cây hơi già), rửa sạch, cắt đoạn ngắn 5-10 cm, rồi cho vào nồi cùng 1 lít nước, nấu sôi khoảng 15 phút. Nhấc nồi xuống và mở nắp ra để xông hơi nóng, lần lượt từ tay đến chân. Xông đến khi nước trong nồi nguội bớt thì ngâm cả chân tay vào nồi nước ấm đó, mỗi lần khoảng 30 phút, mỗi ngày làm 1 lần như vậy sẽ giảm chứng ra mồ hôi.