Trẻ em kín các bệnh viện nhi

Trưa 20.10, Khoa Hô hấp, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 rất ngột ngạt; buồng bệnh, hành lang, các lối đi đều được thân nhân tận dụng trải chiếu, mắc võng để bệnh nhi nằm tạm. Trong buồng bệnh, trẻ phải nằm đôi, thậm chí nằm ghép 3 - 4 trẻ một giường. Không khí nóng bức, ngột ngạt khiến nhiều bé khóc, thét liên tục.

Bệnh nhi nằm ở hành lang 
Mắc võng cho bệnh nhi nằm ở hành lang Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 - Ảnh: Bạch Dương

Chị Ngân (28 tuổi, ngụ Q.12) một tay quạt cho con nhỏ, một tay vuốt mồ hôi, nói: “Cũng khó khăn lắm mới kiếm được một chỗ ở hành lang cho con nằm. Từ ngày con nhập viện, đêm nào cũng gần như thức trắng”. Tại Khoa Tiêu hóa của BV Nhi đồng 1, các phòng bệnh cũng nêm kín trẻ, mỗi giường “gánh” từ 3 - 4 bệnh nhi. “Cháu tôi nằm cùng giường với 2 bé nữa, quá chật chội nên phải thay nhau - bé này nằm thì bé khác được bế ra ngoài đi vòng vòng”, bà Chi (45 tuổi, ngụ Q.11) đang chăm cháu bị tiêu chảy tại Khoa Tiêu hóa nói. Khoa Nhiễm của BV này mấy ngày qua cũng luôn quá tải, lúc nào cũng có khoảng 100 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) điều trị nội trú.

BV Nhi đồng 2 cũng trong tình trạng tương tự. Hành lang Khoa Hô hấp có hàng chục chiếc võng mắc san sát nhau để bệnh nhi nằm. Nhiều trẻ thiếp ngủ trên võng ngoài hành lang, còn các bà mẹ, ông bố thì mặt mũi bơ phờ vì mệt nhọc. Anh Tuấn (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nói: “Vì 3 bé nằm cùng giường chật quá, nên tôi đưa con ra hành lang nằm cho thoáng. Bà xã mới mua chiếc võng hết 300.000 đồng”. Tại đây, tìm một chỗ ngoài hành lang cũng không phải dễ.

Trẻ đi khám cao kỷ lục

TS-BS Trương Quang Định - Phó giám đốc BV Nhi đồng 2 cho Thanh Niên biết: “Những ngày qua, có hôm BV tiếp nhận 7.000 bệnh nhi đến khám; trong đó có 2.000 trẻ cần phải nhập viện. Chiếm nhiều nhất là trẻ mắc bệnh hô hấp”.

Tương tự, BV Nhi đồng 1 có ngày cũng tiếp nhận lên đến 7.000 trẻ; trong đó có ngày Khoa Hô hấp tiếp nhận hơn 300 trẻ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 cũng cho biết, bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận lên đến 60 - 70 trẻ mắc TCM. Khoa Tiêu hóa - Gan mật BV Nhi đồng 2, mấy ngày qua trung bình có 200 trẻ nằm nội trú, trong khi khoa chỉ có 130 giường; mỗi ngày có từ 40 - 60 trẻ nhập khoa. Một bác sĩ của khoa này nhận định: “Có thể do tiết trời đang chuyển mùa, nên trẻ mắc bệnh nhiều”.

Tăng cường khả năng ứng phó dịch bệnh

Hội nghị giao ban trực tuyến về phòng chống dịch bệnh đã được tổ chức sáng 20.10 tại Văn phòng Chính phủ và 63 tỉnh thành. Theo Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh mới nổi đã vào nước ta trong 5 năm qua nhưng mới chỉ có thể ngăn chặn ở mức độ nhất định, đó là cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, TCM, tiêu chảy huyết tán do E.coli, viêm đường hô hấp cấp, viêm cầu lợn, amip ăn não người và bệnh dại. Đặc biệt lo ngại vì sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại Bình Phước và Đắk Nông. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, bệnh TCM vẫn là mối nguy lớn vì người bị nhiễm TCM vẫn có thể bị mắc trở lại. Số mắc ghi nhận khoảng 3.000 ca/tuần, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2011 và những tháng đầu năm.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, ngay sau hội nghị, địa phương nào chưa xây dựng xong kế hoạch phòng chống dịch bệnh phải gấp rút hoàn thành. Bộ Y tế và các bộ liên quan nên tiến hành tổng kiểm tra đánh giá khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Liên Châu

http://www.thanhnien.com.vn

Chia sẻ :