Trong đó, số ca bệnh SHX tại miền Nam chiếm đến 86,2% của cả nước (có 41.324 ca), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011.
Số ca mắc tại miền Trung tính từ đầu năm đến nay đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011, với 5.231 ca (chiếm 10,9% của cả nước). Miền Bắc có 617 ca SXH tính từ đâu năm đến nay, chiếm 1,52% cả nước, tăng 21,4% so với cùng kỳ 2011.
Bệnh nhân người lớn bị SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)
|
Theo thống kê giám sát của Cục Y tế Dự phòng, các ca SXH nặng chiếm 7,6% và có xu hướng tăng cao ở người lớn. Số ca tử vong do SXH trên cả nước cũng tăng hơn 20,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: Bệnh SXH vẫn là một vấn đề lớn của Việt Nam và các nước khu vực tây Thái Bình Dương. Dự báo, những năm tới, bệnh SXH còn tăng mạnh về số ca mắc lẫn tử vong.
Ông Long cho biết bệnh SXH gia tăng do bối cảnh chung của thế giới và khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, bệnh chưa có vắc-xin phòng chống và thuốc đặc trị. Tại nước ta, bệnh gia tăng do tác động của tình trạng đô thị hóa, người dân vẫn chưa có ý thức phòng chống bệnh, thiếu kinh phí và thiếu cán bộ y tế có kinh nghiệm. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân vẫn không thay đổi tập quán trữ nước trong các lu, vại; không giữ vệ sinh kênh, mương cũng như không phát quang bụi rậm...
“Trong 20 năm qua, tình hình SXH tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Khoảng cách giữa hai năm đỉnh dịch đã giảm từ sáu năm xuống bốn năm, các tháng cao điểm bệnh hàng năm kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9”, Tiến sĩ Trần Thanh Dương phân tích.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hiện nay, SXH là một trong những bệnh dịch được giám sát quốc gia. Bộ Y tế nước ta đang cùng với các nước trong khu vực nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng bệnh, cũng như trao đổi kinh nghiệm giám sát, điều trị bệnh”.