Viêm đường tiết niệu là do nhiễm vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Vi khuẩn xâm nhập chủ yếu theo đường “viêm ngược dòng”, từ bộ phận sinh dục ngoài rồi lan lên trên thận. Trong số các vi khuẩn có thể gây viêm đường tiết niệu thì người ta thấy chủ yếu là vi khuẩn đường ruột như E.coli, Klebsiella, Proteus, Staphylococcus Saprophyticus. Không phải tất cả, nhưng đa phần những vi khuẩn này là vi khuẩn đường ruột, “định cư” trong ruột già ở trẻ. Có khoảng 90% trường hợp là do vi khuẩn E.coli gây ra; chỉ một tỷ lệ rất nhỏ là do vi rút hoặc do nấm gây ra. Nhưng cho dù là mầm bệnh nào đi chăng nữa thì chúng đều có chung một cách xâm nhập là đi từ dưới lên trên. Đầu tiên, mầm bệnh “lây” từ phân trong đại tràng vào bộ phận sinh dục ngoài. Chúng gây viêm niệu đạo, bàng quang và cứ thế xâm nhập và viêm lan lên trên. Gần như tất cả đều có chung một con đường gây bệnh.
Có ba dạng bệnh chủ yếu của viêm đường tiết niệu trẻ em, đó là viêm bàng quang, viêm thận và nhiễm khuẩn niệu. Trong ba dạng này thì nhiễm khuẩn niệu là thể bệnh nhẹ nhất (chỉ xuất hiện vi khuẩn trong nước tiểu nhưng chưa gây viêm), còn viêm thận là thể bệnh nặng nhất. Một trong những khó khăn ở trẻ em là chẩn đoán, vì bệnh này ở trẻ em không có triệu chứng đặc trưng, mà thay vào đó chúng được thể hiện bằng những biểu hiện rất chung chung xuất hiện trong nhiều bệnh khác như: đau bụng, sốt, quằn quại, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Vì thế mỗi khi thấy trẻ sốt cao, sờ vào bụng thấy trẻ khóc to hơn thì các bà mẹ cần chú ý tới hai bệnh có thể gặp là bệnh đường tiêu hóa và bệnh viêm đường tiết niệu ở trên. Ở thể bệnh viêm bàng quang thì có một số biểu hiện rõ ràng hơn như trẻ tiểu khó, tiểu không liên tục, tiểu ngắt quãng và nước tiểu rất hôi.
Tất cả các trường hợp viêm đường tiết niệu gây ra sốt đều phải điều trị dứt điểm. Cần lưu ý là, nếu như trẻ viêm đường tiết niệu có biểu hiện sốt cao, kéo dài, nhiễm độc thì bố mẹ phải đưa trẻ ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. Thường là điều trị nội.