Chiều nay 23.2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Diệp Kỉnh Tần đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai phòng chống cúm gia cầm trên cả nước.
Nhiều tỉnh thành đối mặt với vi rút cúm gia cầm biến chủng kháng vắc xin - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay (22.2), dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên 12 tỉnh, thành của cả nước. Tổng số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy lên đến 35.130 con.
Đặc biệt, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đang đối mặt với chủng vi rút cúm gia cầm đã biến đổi gien nên vắc xin không có tác dụng. Trong khi đó, đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa vụ thu hoạch lúa đông xuân nên đàn vịt chạy đồng về rất nhiều, hướng di chuyển phức tạp. Do đó, nguy cơ lây lan dịch rộng là rất cao.
|
Bệnh cúm gia cầm H5N1 ghi nhận xuất hiện trên người ở Việt Nam từ năm 2003. Đến nay đã có 61 ca tử vong do vi rút này. Hiện nay, vẫn chưa có phát hiện nào về cơ chế lây truyền vi rút từ gia cầm sang người. Tuy nhiên, có 80 - 90% người tử vong do cúm H5N1 đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh.
Tỷ lệ tử vong do vi rút cúm H5N1 trên người ở nước ta từ đầu năm đến nay là 100%.
Để tự bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không sử dụng thịt và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm đã được nấu chín.
|
|
Mặt khác, diễn biến thời tiết thất thường mưa lớn trái mùa; nắng ban ngày lạnh ban đêm là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển.
Tỷ lệ lưu hành vi rút trên đàn gia cầm tại Việt Nam hiện nay đang ở mức cao hơn so với những năm trước, với 4,13%. Trong đó, bốn tỉnh có nguy cơ dịch lây lan cao nhất là Hà Tỉnh (với tỷ lệ lưu hành vi rút trên đàn gia cầm là 25%), Thanh Hóa, Cà Mau và Quảng Ninh (trên 15%).
Với những yếu tố trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá diễn biến dịch cúm gia cầm năm nay rất phức tạp và nguy cơ lây rộng dịch là rất cao.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung phòng chống dịch lây lan: Tiêu hủy 100% đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch đồng thời lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xác định 2 trường hợp người bệnh tử vong do cúm gia cầm H5N1 và đều có liên quan đến gia cầm chết.
Đàn vịt chạy đồng tại đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch lúa đông xuân khiến khó kiểm soát dịch - Ảnh: Thanh Quốc
|
“Nhưng việc xác định ổ dịch cúm gia cầm ở địa phương hiện nay hầu như đi sau. Chính quyền địa phương lơ ngơ, không biết có ổ dịch cúm gia cầm tại khu vực mình. Chỉ đến khi có ca tử vong trên người, cơ quan y tế quay lại địa phương kiểm tra nguồn lây thì địa phương mới biết có ổ dịch”, ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục y tế dự phòng, đánh giá.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện nay tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép ở thành phố có chiều hướng phát triển mạnh. Toàn thành phố còn 135 điểm kinh doanh gia cầm trái phép.
Đặc biệt, tình hình dịch cúm gia cầm trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp vì TP.HCM là địa bàn tiêu thụ lớn của cả nước, gia cầm từ miền tây, Đông Nam bộ và miền Trung đều chuyển về thành phố.
Ông Lê Minh Trí - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt kiểm dịch gia cầm tại các cửa ngõ, chợ trên địa bàn thành phố; các quận huyện dẹp hết các điểm kinh doanh gia cầm trái phép; đồng thời thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm.
|