1. Viêm amiđan cấp không đặc hiệu
Biểu hiện trước tiên là đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi kèm theo chảy nước mắt; 2 amiđan sưng to, vùng họng viêm đỏ. Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng bạch cầu không tăng. Thủ phạm gây viêm trong những trường hợp này thường là virus cúm A, B, C hoặc á cúm (adeno, rhino, herpet).
Bệnh nhân nên hạn chế sử dụng kháng sinh. Dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: chống phù nề, giảm đau, kháng histamin; vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ như angispray, eludril, locabiotal, givalex... hoặc nước muối pha loãng.
2. Viêm amiđan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn
Bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai, hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amiđan. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao, bạch cầu trung tính tăng. Thủ phạm gây viêm thường là các vi khuẩn như liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn (thường có màng giả kèm theo loét hoại tử)...
Để điều trị, bệnh nhân được dùng kháng sinh đặc hiệu thích hợp với nguyên nhân gây viêm. Bác sĩ chỉ có chỉ định phẫu thuật trong trường hợp amiđan viêm mạn tính kéo dài, tái phát thường xuyên hằng tháng, có tiền sử viêm tấy quanh amiđan, xuất hiện hội chứng ngạt thở khi ngủ, viêm cầu thận cấp (chỉ cắt amiđan khi đã điều trị xong bệnh này).
Để phòng ngừa chứng viêm amiđan, nên vệ sinh đường mũi - họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn angisp-ray, eludril, locabiotal, givalex hoặc nước muối pha loãng (NaCl 0,9%)... Tránh dùng nước đá quá nhiều và ra vào phòng lạnh đột ngột, nhất là khi nhiệt độ ngoài môi trường cao. Nên dùng khẩu trang tránh bụi khi làm việc những nơi có mức độ ô nhiễm cao.
TS Nguyễn Hữu Nghĩa