Viêm họng do siêu vi xảy ra quanh năm nhưng thường gặp trong giai đoạn chuyển mùa. Nếu trong nhà có một người bị viêm họng, không phòng tránh tốt có thể lây lan từ người bệnh sang người lành.
Bác sĩ Trần Nguyên Khôi, chuyên khoa Cấp 1, khoa Dịch vụ 3, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM, sẽ giải đáp một số thắc mắc xung quanh căn bệnh này.
- Nhiều người cho rằng viêm họng do siêu vi không cần uống thuốc cũng tự khỏi. Điều đó có đúng không?
Viêm họng do siêu vi còn gọi là bệnh viêm họng nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ nhỏ.
60% viêm họng là do siêu vi như Adenovirus, RSV... 30% do siêu vi khuẩn, 10% do những nguyên nhân không phải viêm nhiễm.
Không phải trường hợp nào cũng tự khỏi bệnh. Chỉ trong điều kiện lý tưởng như vệ sinh tốt, sức đề kháng của cơ thể tốt, không bị bội nhiễm vi khuẩn, bệnh sẽ tự lui sau 5 - 7 ngày. Ở giai đoạn bội nhiễm, không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Có phải bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa lạnh? Dấu hiệu nào giúp nhận biết cơ thể bắt đầu nhiễm bệnh?
Thời tiết ẩm thấp, khói bụi, ô nhiễm... khiến vi khuẩn độc hại dễ xâm nhập vào đường hô hấp. Viêm họng do siêu vi thường bắt đầu bằng sự nhiễm siêu vi, tiếp đó là sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu... làm bệnh nặng hơn.
Ban đầu, ở giai đoạn nhiễm siêu vi, người bệnh thường sốt vừa, người ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, kém ăn. Ngoài ra, họng có cảm giác khô nóng, dần dần trở nên đau rát, khó nuốt, giọng nói bị khàn nhẹ. Người bệnh có biểu hiện cảm cúm như: ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy, kèm chảy mũi nhầy và tắc mũi.
Ở giai đoạn bội nhiễm vi khuẩn người bệnh sốt cao, môi khô, toàn bộ niêm mạc họng đỏ, amiđan sưng to đỏ và có xuất tiết.
Nhiều trường hợp, xuất hiện hạch ở góc hàm sưng nhẹ và hơi đau. Đến giai đoạn này, bệnh kéo dài và đòi hỏi phải được điều trị kháng sinh kịp thời, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
- Điều đó có nghĩa là khi bắt đầu bị viêm họng, chúng ta phải dùng kháng sinh ngay?
Với người lớn và trẻ nhỏ, vấn đề có dùng kháng sinh hay không cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Kháng sinh chỉ dùng khi người bệnh có dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ hoặc chưa loại trừ được nguyên nhân bội nhiễm vi khuẩn. Bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh theo kết quả vi sinh, mức độ trầm trọng của bệnh, tiền sử sử dụng kháng sinh...
Nếu viêm họng do siêu vi thông thường, người bệnh không cần điều trị kháng sinh dự phòng. Nếu do bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh cụ thể.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh bằng cách đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong ăn uống, sinh hoạt, đeo khẩu trang khi ra đường. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cũng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ sau sinh, chúng ngừa đầy đủ và đảm bảo dinh dưỡng theo lứa tuổi.