Các thuốc chữa viêm mũi họng

Nguyên nhân làm gia tăng bệnh viêm mũi họng không chỉ do thay đổi thời tiết  mà còn do ô nhiễm môi trường: ô nhiễm từ khói xăng, bụi đường, rác thải công nghiệp… Loại virut gây viêm mũi họng hay gặp nhất là Adenoidal pharyngeal Conjuntival virut, virut hợp bào hô hấp và vi khuẩn H.influenzae, phế cầu khuẩn.

 

Khi bị viêm mũi họng, bệnh nhân thường có các triệu chứng: đau rát  họng, nuốt đau, vướng như mắc cái gì đó ở họng, chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai… Sau đó xuất hiện ho. Người bệnh có thể sốt 38-40oC.

Phòng bệnh như thế nào?

- Vệ sinh mũi họng: đánh răng trước khi đi ngủ, súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, hoặc các dung dịch kiềm nhẹ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

- Điều trị triệt để các viêm mũi, viêm họng, viêm amidan.

- Phòng tránh loại bỏ các yếu tố nguy cơ, độc hại dễ lây nhiễm như: bụi than, bụi bẩn, gió lùa khí lạnh…

Các thuốc điều trị

Nếu là viêm mũi họng do virut thì điều trị triệu chứng là chính: hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, có thể ngậm men kháng viêm chống phù nề như alpha chymotrypsin. Cần tăng cường ăn hoa quả, uống nhiều nước, không nên ăn những thức ăn khó tiêu.  Nếu không bị bội nhiễm bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 – 10 ngày.

Trong trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn cần dùng thêm kháng sinh như amoxicilin, cloxacilin, cáccephalosporin (cephlexin)…

Ngoài ra, có thể dùng các viên ngậm trị ho, viêm họng như viên ngậm bổ phế, trepsin… Ngậm lá xạ can tươi hoặc chè mạn ủ nóng trong 15 phút rồi ngậm họng cũng có tác dụng tốt.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi họng người bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời, viêm mũi họng có thể gây ra nhiều biến chứng:  viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp. Nguy hiểm hơn, viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A làm tổn thương viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim…  Đối với loại viêm mũi họng do vi khuẩn nếu lựa chọn đúng kháng sinh bệnh sẽ thuyên giảm nhanh. Trường hợp dùng thuốc mãi không khỏi bệnh nhân cần phải khám và đánh giá lại tình trạng bệnh, tránh tình trạng để bệnh kéo dài gây biến chứng.

BS. Đinh Ngọc San-SKDS

Chia sẻ :