Bớt lo sau mổ cột sống

Phẫu thuật cột sống có bị liệt không? Đây là lo lắng và cũng là câu hỏi của nhiều bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến cột sống như: cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống cột sống, chấn thương cột sống…

Theo TS-BS Hoàng Gia Du, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật cột sống Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), trong phẫu thuật cột sống, 1 mm là khoảng cách rất xa vì ở đó là tủy xương, mạch máu, hệ thần kinh… Do vậy, nếu ca phẫu thuật không được thực hiện chính xác sẽ để lại những biến chứng nặng nề, thậm chí người bệnh có thể bị liệt vĩnh viễn. “Trước đây, biến chứng liệt sau phẫu thuật cột sống ở Việt Nam đã xảy ra bởi điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ bác sĩ còn hạn chế. Nhưng ngày nay, nhờ trang thiết bị hiện đại, trình độ, kiến thức của bác sĩ được cập nhật liên tục, các biến chứng sau mổ đã giảm nhiều” - bác sĩ Du nói.

Mới đây, BV Bạch Mai đã chính thức đưa vào sử dụng hệ thống chụp O-arm và định vị trong phẫu thuật điều trị bệnh lý cột sống. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật tiên tiến này được Bộ Y tế cấp phép ứng dụng tại Việt Nam. Với hệ thống dẫn đường không gian 3 chiều định vị chính xác trong phẫu thuật, hiện đã có 3 trường hợp có vấn đề cột sống được phẫu thuật, trong đó có một thiếu nữ 18 tuổi ở Hà Nội bị vẹo cột sống vô căn. Sau 1 tháng phẫu thuật, tình trạng đau giảm, cong vẹo cũng giảm nhiều, bệnh nhân tự tin hơn. “Trước đây, khi can thiệp liên quan đến cột sống, phẫu thuật viên chỉ nhìn được cột sống trên mặt phẳng một chiều nên phải tự tưởng tượng các chi tiết giải phẫu gồm cả đường đi, kích thước của ốc vít. Vì thế nó có thể gây tai biến nếu để ốc vít, nẹp chọc vào tủy xương, mạch máu hoặc dây thần kinh. Nặng nhất là gây liệt người, nhẹ nhất là mất máu. Do nguy cơ biến chứng liệt nên rất nhiều bệnh nhân từ chối phẫu thuật dù đau cột sống đến mức không thể đi lại được” - bác sĩ Du chia sẻ.

Trên thế giới hiện có nhiều phương pháp phẫu thuật cột sống. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong phẫu thuật cột sống là chỉ định mổ đúng. Nếu mổ sớm quá sẽ không tốt vì thường dễ bị lại ở vài năm sau do không lấy hết được phần bị thoái đó, còn mổ trễ quá thì khả năng phục hồi càng chậm hoặc ảnh hưởng đến các chức năng khác. Ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ em bị vẹo cột sống nhưng không được phát hiện sớm rất cao. Với những trường hợp cong vẹo cột sống trên 40 độ là đã có chỉ định mổ nhưng thực tế thăm khám có những trường hợp cột sống cong vẹo tới cả trăm độ!

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế khuyến khích và tạo điều kiện để các BV, nhất là các BV tuyến cuối ứng dụng, phát triển các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh cho người dân. Bởi lẽ, đưa kỹ thuật mới về Việt Nam chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều lần, người bệnh sẽ được điều trị bằng kỹ thuật ngang tầm với các nước phát triển. Hy vọng trong thời gian tới, khi các kỹ thuật cao được áp dụng thường quy tại các BV, chi phí của người bệnh sẽ được quỹ BHYT cùng chi trả.

Ngọc Dung
tuoitre.vn

Chia sẻ :