Phòng dị vật đường thở cho bé ngày Tết.

Những tai nạn thường gặp xảy ra ở trẻ có thể chỉ là trầy chân tay do té ngã hoặc nguy hiểm hơn là dị vật đường thở cực kỳ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
  • Hạt dưa, bánh mứt đều có thể là dị vật đường thở đối với trẻ

Rất nhiều các loại hạt trong mâm bánh mứt như hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương, hạt điều, hạt đậu phộng, hạt mứt mãn cầu, thêm vào đó còn có các hạt trái cây tươi như hạt dưa hấu, hạt sa pô chê, hạt vú sữa hạt mận. Tất cả các loại hạt này sẽ dễ dàng trở thành dị vật đường thở cực kỳ nguy hiểm chỉ cho bé vì những khoảng khắc lơ là của người lớn.

Các loại hạt này nên để xa tầm tay của bé, khi cho bé ăn phải cẩn thận lấy hạt ra, kiểm tra kỹ là không còn hạt và chắc chắn rằng trẻ có thể ăn dễ dàng từng miếng nhỏ để tránh nghẹn hoặc ho sặc.

Phụ huynh nên nghi ngờ bé bị dị vật đường thở nếu bé có các dấu hiệu như bé có chơi nghịch hoặc ăn các loại mứt hoặc trái cây có hạt trước đó, rồi bỗng nhiên bé có triệu chứng ho sặc, tím tái, giãy giụa, nghẹn thở thoáng qua, sau đó bé bắt đầu khó thở, khò khè và ho.

Trong tình huống này, trước khi đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất, có các bước cấp cứu phụ huynh cần lưu ý.

Nếu bé không có biểu hiện khó thở nhiều, không nên làm gì hết, bế bé ở tư thế ngồi rồi đến ngay trung tâm y tế gần nhất. Không nên móc miệng họng để lấy dị vật vì như vậy sẽ có thể đẩy dị vật sâu hơn.

Nếu bé có biểu hiện khó thở nhiều, cần làm các động tác cấp cứu sau:

Bé nhỏ hơn một tuổi, đặt bé nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng năm lần mạnh và nhanh vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa bé. Nếu còn khó thở, dùng hai ngón tay ấn ngực năm lần.

Bé lớn hơn, phụ huynh đứng phía sau hoặc quì tựa gối vào lưng bé, vòng hai tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay vùng hõm ức, bàn tay kia đặt chồng lên rồi đột ngột ấn mạnh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên năm lần liên tiếp.

Trong trường hợp thất bại có thể thực hiện lại thao tác này 6 -10 lần.

http://tuoitre.vn

Chia sẻ :