Họng là một cơ quan đặc biệt của cơ thể, hằng ngày, hằng giờ nó luôn phải tiếp xúc với nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm, do vậy viêm họng là bệnh hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mùa. Nếu cháu thường xuyên bị viêm họng thì rất có thể cháu bị viêm họng mạn tính.
Các biểu hiện lâm sàng thường ít, không ảnh hưởng đến toàn thân, không sốt, người chỉ cảm thấy mệt mỏi. Dấu hiệu quan trọng nhất là rát họng, nuốt vướng, đặc biệt là dấu hiệu ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan hoặc có thể có ít đờm làm người bệnh khó chịu phải khạc nhổ liên tục.
Khám thực thể không phát hiện gì đặc biệt, chỉ có thể thấy tình trạng sung huyết đỏ, xuất tiết như nước cháo, nước hồ dính ở thành sau họng hoặc các tổ chức lympho phát triển mạnh ở thành sau họng, mà người ta gọi là viêm họng quá phát hoặc viêm họng hạt.
Ảnh minh họa
Những biến chứng có thể xảy ra của các loại viêm họng nói chung là:
- Các biến chứng tại chỗ gây áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp-xe thành họng.
- Những biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm cả thanh, khí, phế quản hoặc viêm phổi.
- Các biến chứng xa gây viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...
Với viêm họng mạn tính, để điều trị bệnh, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc, bằng axít chromic, đốt điện, đốt bằng laser CO2 hoặc bằng nitơ bạc. Tuy nhiên các biện pháp phòng bệnh là quan trọng hơn cả.
Cháu cần giữ ấm cổ, ngực, vệ sinh răng miệng, không sử dụng các chất kích thích, tránh khói bụi, bồi dưỡng sức khỏe để tránh bệnh bị tái phát.