Tôi được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng hạt trong một lần khám sức khỏe định kỳ. Trước đó khoảng 20 ngày, tôi bị ngứa cổ họng, ho liên tục, có khi kéo dài đến 30 giây không dứt cơn...
Về đến nhà tôi liền tra sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi xem có cây cỏ nào chữa được viêm họng không. Thật may, trong sách có cây xạ can hay còn được gọi là cây rẻ quạt đặc trị viêm họng, sưng đau cổ họng.
Tôi liền lên lầu ngắt ngay một đoạn chót lá dài khoảng một lóng tay bỏ vào miệng nhai và nuốt nước, bỏ xác, sau 20 giây. Độ chừng một phút sau thấy cổ họng nóng rát, không còn ngứa cổ và cơn ho cũng dứt hẳn. Sau đó cứ mỗi lần ngứa cổ, chớm ho, tôi làm như trên và không còn ho nữa.
Thấy hay, tôi mách cho một số người có triệu chứng ngứa cổ, ho dùng thử và đa số đã hết ho, chỉ có một vài người bị tê lưỡi không dám dùng nữa; chắc có lẽ họ dùng quá liều và ngậm lâu trong miệng. Theo sách “Cẩm nang chữa bệnh” của BS. Lê Thành - Mai Lan, có hướng dẫn cách sử dụng lá xạ can chữa viêm họng hoặc ho kéo dài như sau:
“Dùng một đoạn dài khoảng 1 cm lá xạ can để vào chén, lấy cán dao sạch nghiền nát rồi cho vào một ít nước, quấy đều, gạn lấy nước nuốt dần xuống họng. Tối nào cũng dùng, chỉ 3 ngày khỏi hẳn”.
Bà Hoàng Thị Hồng, 70 tuổi, nhà ở 34, lô 10, đường Bế Văn Đàn, khóm 2, phường 7, TP. Bạc Liêu, bị viêm họng hạt, phổi yếu, tạng người gầy ốm từ 10 năm nay, đã dùng nhiều loại thuốc tân dược nhưng không chữa khỏi cơn ho. Mỗi khi trái gió trở trời bà bị cơn ho dai dẳng hành hạ.
Thấy vậy, tôi mách bà dùng thử thang thuốc đặc trị viêm họng của GS.TS.Đỗ Tất Lợi mà vị căn bản là cây xạ can. Tôi tự đi mua và tặng bà một thang thuốc chỉ có 5.000 đ. Sáng hôm sau gặp tôi bà khoe: “Bài thuốc bác cho uống rất hiệu nghiệm, tôi thấy khỏe nhiều, dứt cơn ho kéo dài, không còn ngứa cổ và dễ thở. Bây giờ thỉnh thoảng mới ho vài tiếng”. Ngay sau đó bà nhờ ông xã ra tiệm thuốc bắc mua liền 30 thang để chuẩn bị đi Sài Gòn thăm con.
Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một căn bệnh khó trị, nghe qua ai cũng ớn, thế mà tôi chỉ dùng 3 – 5 lần nhai lá xạ can (rẽ quạt), là khỏi hẳn cơn bệnh quái ác này mà không cần dùng bất cứ loại tân dược nào. Nghe thật khó tin, nhưng đây là chuyện có thật 100%. Tôi viết bài này mong được gởi đến mọi người có những triệu chứng căn bệnh nói trên dùng thử. Nếu khỏi bệnh, hãy coi tôi như là một “thầy thuốc” không lấy tiền.
Xạ can là một loại cây cảnh
Xạ can có tên khoa học là Belamcanda sanensis. Lem. thuộc họ lay ơn. Cây có củ, lá hình mác, mọc thẳng đứng xòe ra hai bên giống như cây quạt giấy nên còn có tên là cây rẽ quạt. Cây cao khoảng 50 cm, hoa màu hồng, có 6 cánh điểm những chấm đỏ, có 3 nhị đực và 1 nhị cái ở giữa, trái hình trái khế, bên trong chứa 3 - 6 hột.
Theo Đông y
Xạ can có vị đắng, tính hàn, hơi có độc vào 2 kinh can và phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu đàm. Dùng chữa yết hầu sưng đau, đàm nghẽn cổ họng. Người có tỳ vị hàn không dùng được.
Xạ can còn là vị thuốc dùng trong dân gian; khoa học ngày nay chưa nghiên cứu nhiều, chỉ biết từ cây này người ta đã chiết xuất ra một hợp chất glucosid gọi là belamcandin và téctoidin. Cây thường được dùng làm thuốc chữa triệu chứng viêm họng, vùng amidan sưng mủ, đau họng do viêm nhiễm.
Hai bài thuốc căn bản chữa bệnh bằng cây xạ can của
- Bài thuốc chữa tắc cổ họng do viêm nhiễm (viêm họng hạt): xạ can (đã chế biến): 4 g, hoàng cầm: 2 g, sinh cam thảo: 2 g, cát cánh: 2 g. Các thứ tán nhỏ, dùng nước đun sôi để nguội mà chiêu thuốc. Bài thuốc này có tên là “Đoạt mệnh tán”, nghĩa là “cướp lại sinh mạng đã nguy cấp”.
- Bài thuốc chữa các triệu chứng: báng bụng to, nước óc ách, da sạm đen (xơ gan cổ trướng?): xạ can tươi giã nhỏ, vắt lấy nước uống, hễ thấy lợi tiểu tiện thì thôi.
GS.TS. Đỗ Tất Lợi
|
Theo Khoa học phổ thông