|
Rất đông trẻ mắc bệnh tiêu chảy được điều trị tại phòng cấp cứu khoa tiêu hóa, Bệnh viên Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC |
Chị N.T.H., 22 tuổi, ở Thuận An, Bình Dương, kể con chị 3 tháng tuổi, vào khoa tiêu hóa điều trị từ ngày 11-3 do bị tiêu chảy. Con chị được xếp vào phòng số 4 nhưng giường bệnh nào cũng xếp 3-4 trẻ, nằm chật chội, tiếng trẻ quấy khóc suốt nên vợ chồng chị đưa con ra hành lang nằm.
Bệnh hô hấp, tiêu chảy, viêm tai giữa... tăng
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số trẻ nhập viện điều trị do mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy... tăng trong những ngày gần đây, nguyên nhân chính do thời tiết nắng nóng. Hiện số trẻ nhập viện điều trị tại khoa tiêu hóa ngày 12-3 là 162 trẻ, phần lớn mắc bệnh tiêu chảy, trong khi khoảng hai tuần trước đó số bệnh nhi nằm điều trị mỗi ngày là 100-110 trẻ. Bác sĩ Tùng lý giải do thời tiết nắng nóng bệnh nhi uống nước nhiều hơn mọi ngày, nếu uống nước ở ngoài hàng quán không đảm bảo vệ sinh trẻ rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, thời tiết nắng, nóng làm thức ăn dễ bị ôi thiu nên nếu bảo quản không tốt cũng rất dễ gây bệnh tiêu chảy ở trẻ.
Theo bác sĩ Tùng, số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng trong hơn một tuần nay. Hiện mỗi ngày khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoảng 140 trẻ nằm điều trị, trong khi trước đó chỉ 100-110 trẻ. Cũng do thời tiết nắng nóng nên cha mẹ thường cho trẻ nằm máy lạnh ở nhiệt độ thấp, hoặc để quạt thổi thẳng vào người trẻ dễ khiến đường hô hấp của trẻ thiếu độ ẩm, gây viêm đường hô hấp. Thời tiết nắng nóng, cho trẻ đi ngoài đường nhiều không đeo khẩu trang, không cho trẻ uống nước đầy đủ... cũng dễ khiến trẻ nhiễm bệnh này.
Một bác sĩ khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho biết số trẻ mắc bệnh viêm tai giữa đến khám tại phòng khám tăng gấp đôi. Trước đây mỗi ngày khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 chỉ tiếp nhận 20-25 trẻ mắc bệnh viêm tai giữa, nay đã lên đến 50-60 ca. Nguyên nhân do trời quá nắng nóng, nhiều trẻ bị viêm họng, nếu không được điều trị đúng, kịp thời sẽ gây biến chứng viêm tai giữa.
Diễn biến bệnh tay chân miệng phức tạp
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 vào ngày 12-3 lên đến 80 trẻ, tuần trước đó chỉ 40-50 trẻ nằm điều trị/ ngày. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết ngày 12-3 có khoảng 70 ca mắc bệnh tay chân miệng đang nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1. Mùa của bệnh tay chân miệng bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 5. Đây mới là những ngày đầu mùa của bệnh tay chân miệng nên dự báo số trẻ mắc bệnh này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó ngày 12-3, ngành y tế Đà Nẵng đã chính thức ra mắt tổ tư vấn, truyền thông về bệnh tay chân miệng với ba bác sĩ, tại Trung tâm Phụ sản - nhi Đà Nẵng. Trong ngày 12-3 tổ đã giải đáp, tư vấn cho hơn 30 phụ huynh về bệnh tay chân miệng. “Chúng tôi chủ yếu tư vấn cho các trường hợp bị bệnh nhẹ (độ 1) để cha mẹ trẻ biết cách chăm sóc, điều trị ở nhà thay vì đến viện. Hoặc tư vấn các phương pháp để chẩn đoán đúng các biểu hiện của bệnh. Việc thành lập tổ giúp cha mẹ các bé yên tâm hơn về bệnh tình của con, đồng thời giảm tải cho bệnh viện” - bác sĩ Lãm cho hay.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi các ca bệnh về sốt xuất huyết, Rubella chỉ xuất hiện rải rác vài ca thì số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - trưởng khoa dịch tễ và côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) - cho biết tuần qua ghi nhận có 110 ca mắc bệnh tay chân miệng (tuần trước có 105 ca). Các bác sĩ của Trung tâm Phụ sản - nhi Đà Nẵng cũng lưu ý hiện thời tiết diễn biến bất thường, cần mặc đủ ấm cho trẻ, tránh cho trẻ ra đường vào buổi tối hoặc khi trời lạnh.
THÙY DƯƠNG - ĐOÀN CƯỜNG
Sở y tế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố công bố dịch đúng thời điểm
Trao đổi với báo chí hôm 12-3 liên quan đến bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt có địa phương số mắc tăng gấp 150 lần so với cùng kỳ 2011 (300 ca mắc so với 2 ca trong cùng kỳ năm 2011), cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay tháng 11-2011, Bộ Y tế đã có hướng dẫn công bố dịch tay chân miệng. Theo đó, các địa phương có số mắc tăng cao vượt quá dự tính và vượt số mắc trung bình năm năm gần đây, kèm thêm điều kiện thứ hai, có thể là tình huống số mắc vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tỉnh thành, địa phương, hoặc trường hợp bệnh có tỉ lệ tử vong cao, chưa rõ tác nhân gây bệnh, có thay đổi tác nhân gây bệnh hoặc bệnh xảy ra trong tình huống có thiên tai, thảm họa thì sở y tế tỉnh thành tham mưu cho UBND địa phương công bố dịch, công bố hết dịch đúng thời điểm.
Theo ông Bình, hiện trên phạm vi toàn quốc số ca mắc tay chân miệng cao hơn 7,4 lần so với cùng kỳ 2011.
|