Mùa xuân và bệnh mũi xoang

Để cho xương đầu nhẹ bớt và tiếng nói vang to, tạo hóa đã tạo ra các hốc trong xương sọ. Khi có các hốc, sẽ có lớp niêm mạc bao bọc lại. Trong lớp niêm mạc có mạch máu và thần kinh - từ mũi có các ngách thông với các hốc xoang đó. Các xoang lại rất gần với não. Khi ta hít thở, bụi bẩn theo hơi thở vào các xoang. Khi hít các mùi hôi khét hay bị sặc nước thì chúng cũng tràn vào được các xoang, gió lạnh ẩm cũng dễ xâm nhập xoang qua các đường thở. Như vậy, có rất nhiều yếu tố kích thích gây phản ứng của xoang, có thể làm niêm mạc các xoang sưng nề tấy đỏ, có thể có nhiễm khuẩn gây mủ.

Khi các lớp niêm mạc trong xoang phản ứng sưng phù sẽ chèn ép thần kinh, mạch máu tại đó gây đau đầu vùng mặt. Nước xuất tiết chảy ra mũi họng, ta có thể khạc nhổ ra nhưng đa số là nuốt vào dạ dày, ruột.

Như vậy, xoang là một bộ phận cấu tạo trong hộp sọ, bình thường ta không nhìn được nhưng xoang liên hệ với bên ngoài qua mũi họng.

Nguyên nhân gây viêm xoang chủ yếu do cơ địa dễ dị ứng nhưng phần lớn từ mũi. Môi trường thở không sạch, nhiều bụi bẩn mồ hôi, khói than, bụi bông, bị sặc nước trong khi bơi.

Muốn phòng viêm xoang rất khó bởi phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống mà hiện nay cải thiện môi trường quanh ta đang bị ô nhiễm nặng nề là bài toán khó và nan giải.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh mũi xoang:

- Đau đầu, đau vùng trước trán và vùng mặt, đau vào buổi sáng.

- Hắt hơi liên tục vài ba chục lần, viêm mũi hay có triệu chứng này.

- Chảy mũi.

- Cảm giác có dịch chảy xuống cổ, nếu khạc ra thấy lớp đờm dày dính, hiếm gặp khạc mủ.

- Ho thúng thắng, đau họng. Người bị viêm họng chữa khó khỏi thường dễ tái phát do dịch trên xoang chảy qua họng.

- Có thể sốt.

Muốn chẩn đoán chính xác cần soi qua mũi hoặc chụp Xquang sẽ thấy hình xoang mờ đục. Với các triệu chứng trên Đông y quy vào bệnh của phế, nếu biểu hiện ho, khạc đờm trong loãng hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi là do phong hàn.

Nếu ho khạc đờm đặc vàng, kèm theo sốt nóng đó là do phong nhiệt. Cách phòng bệnh theo Đông y là luôn chú ý cho "nhân cường thì tật sẽ nhược", tránh gió lạnh, gió ẩm, bụi, mùi khét. Hằng ngày đi ra ngoài nên có khẩu trang, khẩu trang cần thay giặt hằng ngày. Nếu không thay giặt hằng ngày thì khẩu trang có tác dụng ngược lại.

Các cháu học bơi cần hướng dẫn cẩn thận để nước không bị sặc vào lỗ mũi. Rất nhiều cháu sau kỳ bơi ở các hồ ao, bị viêm xoang.

Cách chữa có rất nhiều thuốc. Nhưng bệnh mũi xoang phụ thuộc vào môi trường sống rất nhiều nên cũng phải xếp vào bệnh chữa "lai rai". Dân gian thường dùng: lá hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn), rửa sạch giã vắt nước nhỏ mũi hằng ngày.

Thuốc uống: Nếu ngạt khô mũi, ngứa mũi, gặp gió lạnh đau ngứa tăng, hắt hơi, dùng: phòng phong 12g, ngân sài hồ 12g, kim ngân 16g, bạch chỉ 12g, ngũ vị 8g, tân di 8g, gừng tươi 3 lát, thương nhĩ 10g, cát căn 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu khạc đờm vàng đặc, có sốt hay da nóng, mạch nhanh dùng: hoàng cầm 12g, xạ can 8g, hoàng liên 12g, phòng phong 10g, tân di 8g, khương hoạt 8g, thương nhĩ 10g, tế tân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Khi bệnh nặng thường kết hợp với khí dung để xông mũi xoang. Chú ý thức ăn tránh chất cay nóng hoặc quá lạnh như kem, nước đá...

Theo PGS.TS. Dương Trọng Hiếu
SK&ĐS
giadinh.net.vn

Chia sẻ :

    Các tin khác :