Phòng khám Trung Nam: Kiểm tra lần nào, sai phạm lần đó

Phòng khám này đã cam kết trả lại tiền điều trị cho bệnh nhân trên.

Các loại thuốc chưa có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế nhưng vẫn được phòng khám Trung Nam cho anh N.Đ.C. sử dụng - Ảnh: L.TH.H.

Vay nóng chữa bệnh

Đã ba lần bị xử phạt

Hoạt động chính thức chưa đến nửa năm nhưng phòng khám đa khoa Trung Nam (1509 Ba Tháng Hai, Q.11, TP.HCM) đã ba lần bị thanh tra Sở Y tế TP.HCM thanh tra, kiểm tra và xử phạt vì nhiều lỗi vi phạm khác nhau. Tuy nhiên, phòng khám này vẫn tiếp tục sai phạm.

Ngày 27-9, anh N.Đ.C. (37 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) đến Tuổi Trẻ cầu cứu vì sau hơn một tháng điều trị tại phòng khám Trung Nam hết 167 triệu đồng, nhưng bệnh viêm tuyến tiền liệt của anh không thuyên giảm. Giấy tờ khám bệnh và biên lai thu tiền tại đây từ ngày 10-8 đến 22-9 của anh C. lên tới 165 triệu đồng.

Chưa kể anh còn nợ phòng khám khoảng 10 triệu đồng. Ngoài tiền điều trị quá cao, anh C. còn phải bồi dưỡng thêm hai triệu đồng cho “bác sĩ” vì bị vòi vĩnh “bồi dưỡng để điều trị cho mau khỏi bệnh”.

Anh C. cho biết thấy đài truyền hình và nhiều tờ báo đăng quảng cáo phòng khám Trung Nam chuyên điều trị bệnh nam khoa rất hay nên anh tìm đến và “sa bẫy”. Anh C. kể ngày 10-8, sau khi khám, xét nghiệm tại phòng khám Trung Nam, ông Thái Bảo Quý (người Trung Quốc) chẩn đoán anh bị viêm tuyến tiền liệt.

Ông Quý nói có ba loại máy khác nhau để điều trị bệnh. Loại một điều trị 3-5 triệu đồng/ngày, loại hai 5-7 triệu đồng/ngày và loại ba 7-10 triệu đồng/ngày. Anh C. hỏi nếu điều trị loại máy 7-10 triệu đồng/ngày thì bao lâu sẽ khỏi bệnh, ông Quý nói ba ngày! Cách ông Quý điều trị cho anh C. là truyền dịch, trị liệu và thuốc uống, trong đó chi phí trị liệu đắt tiền nhất. Cách trị liệu theo mô tả của anh C. là dùng một loại máy chiếu vào vùng bụng dưới thấy ấm nóng.

Sau nhiều đợt điều trị, các triệu chứng bệnh vẫn không thuyên giảm, anh C. thắc mắc thì được ông Quý trấn an phải “điều trị tiếp tục”... Trong thời gian uống thuốc của phòng khám, anh C. còn bị nổi hồng ban khắp người và đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Các loại thuốc phòng khám bán cho anh C. không rõ nguồn gốc, toàn chữ Trung Quốc, không có số đăng ký lưu hành của Cục Quản lý dược. Sổ khám bệnh, toa thuốc cũng toàn chữ Trung Quốc.

Anh C. cho biết anh làm bảo vệ lương tháng chỉ có 3 triệu đồng, vợ ở nhà buôn bán nhỏ. Vì bệnh anh phải tạm nghỉ việc, vay mượn người thân và vay nóng thêm bên ngoài hơn 100 triệu đồng để điều trị. Thế nhưng đến nay bệnh của anh vẫn như cũ khiến anh vô cùng lo lắng. Anh đã nộp đơn khiếu nại lên thanh tra Sở Y tế TP.

Anh N.Đ.C. với các vết hồng ban sau khi uống thuốc của phòng khám Trung Nam - Ảnh: L.TH.H.
Thừa nhận sai phạm

Chiều 3-10 phòng khám Trung Nam đã trả lại 146 triệu đồng cho anh C. (anh C. để lạc mất hóa đơn 19 triệu đồng) sau khi anh trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến điều trị. Trước đó, ngày 29-9, trong buổi làm việc giữa phóng viên Tuổi Trẻ, ông Vương Quốc Phong - chủ đầu tư (người Trung Quốc) phòng khám - và bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thanh - người đứng tên giấy phép hành nghề - chịu trách nhiệm phụ trách chuyên môn đã ký cam kết với anh C. đồng ý hoàn trả toàn bộ tiền điều trị trên hóa đơn chứng từ anh C. còn lưu giữ.

Cũng tại các buổi làm việc này, ông Phong thừa nhận tại phòng khám Trung Nam có ba bác sĩ người Trung Quốc khám phụ khoa, nam khoa và nội khoa cho bệnh nhân khi chưa có giấy phép của cơ quan y tế thẩm quyền. Các phương pháp điều trị cho anh C. thì phòng khám đang xin phép và phương pháp này không có tên cụ thể, ở Trung Quốc gọi là phương pháp trị liệu.

Về việc sử dụng thuốc chưa có số đăng ký cho bệnh nhân, ông Phong cho rằng phòng khám có dùng thuốc VN, nhưng do một số loại thuốc của VN không có nên phòng khám phải dùng thuốc từ Trung Quốc. Theo ông Phong, việc để xảy ra các sai phạm liên tục của phòng khám là do ông từ Trung Quốc qua đầu tư, có nhiều vấn đề, quy định, từ ngữ không hiểu rõ và phải qua phiên dịch nên ông sẽ xem lại và chấn chỉnh cho đúng quy định.

Ông Nguyễn Vĩnh Thanh cũng nhìn nhận trách nhiệm là không có mặt thường xuyên ở phòng khám Trung Nam để quản lý, giám sát các hoạt động về chuyên môn, nhân sự. Theo ông Thanh, sau các sai phạm bị báo chí lên tiếng và thanh tra xử phạt, phòng khám đã có cuộc họp nội bộ để có biện pháp chấn chỉnh. Cụ thể là chấm dứt không để bác sĩ Trung Quốc khám bệnh khi chưa có giấy phép, rút hết các thuốc Trung Quốc không rõ nguồn gốc ra khỏi nhà thuốc Trung Nam...

Về việc khiếu nại của anh C., ông Phan Kim Bình - phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - nói thanh tra sở sẽ mời anh C., chủ đầu tư và người phụ trách chuyên môn của phòng khám lên làm rõ những phản ảnh khiếu nại của bệnh nhân để xem xét, quyết định xử lý theo đúng quy định.

Ông Bình còn cho biết thanh tra sở đã kiểm tra phòng khám này ba lần và lần kiểm tra nào cũng có sai phạm, bị xử phạt. Thanh tra sở sẽ yêu cầu phòng khám sớm chấn chỉnh và sẽ tái phúc tra nhanh xem đã khắc phục sai phạm hay chưa. Nếu phòng khám vẫn tiếp tục sai phạm, thanh tra sở sẽ kiên quyết đề xuất rút giấy phép.

LÊ THANH HÀ
tuoitre.vn

Chia sẻ :